Toàn nền kinh tế bắt tay ngay vào công cuộc nhanh chóng phục hồi, bù đắp những tổn thất, đổ vỡ và đứt gãy trước tác động của dịch COVID-19. Phóng viên TTXVN đã cuộc phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những nội dung này.
Ít tháng nữa, chúng ta sẽ bước qua năm 2021 với vô vàn thách thức và khó khăn của đại dịch COVID-19. Thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?
Qua tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp thường nói vui và ngậm ngùi rằng, năm 2021 là năm nên quên đi để giữ niềm tin tưởng, đón chào năm mới 2022 với nhiều kỳ vọng, lạc quan và tươi sáng hơn về bức tranh tổng thể của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Không thể nghĩ rằng, tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2021 lại xảy tới một cách trực diện, nghiêm trọng với những thiệt hại khủng khiếp tới con người về nhân mạng và những tác động tiêu cực với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của số đông doanh nghiệp. Nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, chỉ trong 9 tháng của năm 2021 đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui và rời khỏi thị trường. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 hầu như đều đạt thấp.
Cùng với đó là tình trạng vô cùng khó khăn của hầu hết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài khi chuỗi sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn….
Khảo sát mới nhất do VCCI thực hiện trong tháng 9 vừa qua cho thấy, có tới gần 94% doanh nghiệp cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp ở mức rất cao. Một số trung tâm kinh tế lớn - là động lực tăng trưởng như TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước… cũng đều bị ảnh hưởng. Ở phía Bắc thì có tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang – những vùng kinh tế trọng điểm cũng ảnh hưởng tương tự trong giai đoạn đầu dịch COVID-19.
Thậm chí đã có tình trạng, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chuyển dây chuyền sản xuất sang quốc gia thứ 3 khác để hoàn tất đơn hàng xuất khẩu, do các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam phải ngừng hoạt động và không đảm bảo đủ các đơn hàng đã cam kết. Đó quả thực là khó khăn không ai mong muốn.
Tuy nhiên, với những thành quả của công tác phòng chống dịch trong thời gian gần đây, tôi tin tưởng rằng, khó khăn sẽ chỉ là tạm thời và những thách thức sẽ nhanh chóng qua đi khi dịch bệnh được khống chế và toàn xã hội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”.
Nhà nước và nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và được đánh giá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành lại guồng máy sản xuất kinh doanh để bắt kịp xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Thực tế này triển khai ra sao thưa ông?
Qua nhiều chuyến khảo sát doanh nghiệp, nhiều cuộc làm việc với các địa phương, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận ra rằng, ở nhiều nơi, bằng cách này hay cách khác, có những giải pháp, cách thức và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó qua đại dịch. Nhiều sáng kiến đã được triển khai và doanh nghiệp cũng ghi nhận tích cực tinh thần đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đã liên tục đồng hành, đối thoại cùng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những vướng mắc và nhanh chóng tìm hướng tháo gỡ. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, các địa phương còn quan tâm tới những khó khăn của các nhà đầu tư.
Có nơi như tỉnh Quảng Ninh còn triển khai các chương trình như Investors Care (Tổ công tác chăm sóc các nhà đầu tư) và giao cho lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách. Hay như tỉnh Bắc Ninh tổ chức Đội phản ứng nhanh còn gọi là Tổ phản ứng nhanh Ba nhất, chuyên nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ...
Trước đây, các tỉnh và thành phố chỉ xem việc ban hành chính sách, quy trình đầu tư là xong nhiệm vụ, nay ứng xử với các nhà đầu tư hay hỗ trợ doanh nghiệp vượt thách thức của đại dịch cũng đã bước vào thực chất hơn. Không chỉ đưa ra các chương trình hỗ trợ những nhà đầu tư hiện có của tỉnh các địa phương xem họ có gặp khó khăn gì để giúp giải quyết các vướng mắc.
Thậm chí, như một số sở, ngành ở thành phố Hải Phòng còn công bố công khai giảm 1 nửa thời gian thực hiện danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế so với quy định thông thường của Trung ương và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện của các cơ quan công quyền.
Với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện có mà Chính phủ đã ban hành hoặc đang nghiên cứu xây dựng để triển khai, ông có bình luận gì về tính hiệu quả và đề xuất những giải pháp để đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế?
Quốc hội, Chính phủ và các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu, đang thảo luận rất sôi nổi về những giải pháp phục hồi nền kinh tế. Rõ ràng, trước những khó khăn chưa từng thấy của đại dịch COVID-19 thì cũng cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế lớn chưa từng thấy mới giải quyết được.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên hỗ trợ mạnh dạn hơn, tích cực hơn, để doanh nghiệp và nền kinh tế mau chóng phục hồi. Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng từng cho rằng, tổng gói hỗ trợ trên GDP của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2,2% - mức còn quá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực hay cùng trình độ phát triển như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản...
Mặc dù, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua và ban hành nhiều gói hỗ trợ quan trọng. Song từ thực tiễn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, trực tiếp hơn nữa. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, cần phải có chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trên diện rộng đến với các hộ kinh doanh và người dân. Thậm chí, có khuyến nghị còn đề xuất giảm 50% các khoản phí phải nộp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong thời gian tới. Những gói hỗ trợ như thế cần đảm bảo quy mô đủ lớn và đáp ứng tỷ lệ cao các doanh nghiệp và đối tượng thụ hưởng khác.
Hiện nay, một số gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra đã rất có ích như giảm thuế VAT 30% cho các doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành như du lịch, miễn 50% các khoản phải đóng cho các hộ kinh doanh, người dân được nhận trợ cấp…. Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng việc cân nhắc những chương trình hỗ trợ lớn hơn như hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội để vừa kích cầu kinh tế, vừa hỗ trợ người lao động. Nhìn những dòng người đi xe máy rời khỏi các trung tâm kinh tế lớn mới thấy nhu cầu an sinh xã hội rất cao; trong đó, có nhà ở cho những người công nhân là hết sức cần thiết.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài cuối: Chuẩn bị cho sự trở lại