Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá cá tra: Có thể kiện lên tòa án quốc tế

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay. Không những thế, cũng trong tháng 3/2018, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá với cả tôm Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận áp thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg lên 7,74 USD/kg đối với cá tra Việt Nam, các bộ ngành liên quan đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nuôi cá tra ở Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Theo đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN & PTNT), những điều chỉnh này của DOC là thiếu cơ sở pháp lý, khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ. Đồng thời, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng. Điều này thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường.

Bên cạnh đó, quy định này mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét. Các bộ ngành, các hiệp hội ngành hàng (VASEP, VINAPA) cùng cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế (CIT) trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Đối với Hoa Kỳ, trong tháng 3 vừa qua, họ không chỉ áp thuế chống bán phá cá tra, mà cả tôm. Phán quyết này là đợt rà soát hành chính lần thứ 12 và 13 của Hoa Kỳ, đây là pháp quyết đơn phương, không phù hợp với WTO. Vì vậy, không loại trừ khả năng các đơn vị liên quan sẽ xem xét nghiêm túc, sử dụng các phương án khiếu kiện lên toàn án quốc tế để có phán quyết của trọng tài quốc tế, cũng như kiên trì đấu tranh thương mại với Hoa Kỳ trên khuôn khổ thương mại có lợi, để phía bạn thấy rõ hiện nay ở Việt Nam không có ai bảo trợ giúp doanh nghiệp bán phá giá.


Được biết, Bộ NN& PTNT cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến vụ việc và sẽ có những phản ứng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ trong việc thực hiện các quy định của Chương trình trình thanh tra cá da trơn do Cơ quan thanh tra ATTP (FSIS) ban hành - dự kiến diễn ra trong tháng 5/2018.

H.V/Báo Tin tức
Xuất khẩu cá tra tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Xuất khẩu cá tra tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Thuế chống bán phá giá cao, rào cản kỹ thuật gia tăng, sự cạnh tranh không lành mạnh… đang là những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN