Hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ đối diện với kiện chùm, kiện domino?

Các vụ kiện phòng vệ thương mại đang phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước), kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng đi kiện), kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp)...

Hàng loạt vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) được khởi xướng điều tra thời gian qua đã nối dài chuỗi gian nan của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK). Các biện pháp PVTM được thị trường nhập khẩu áp dụng được dự báo sẽ còn gia tăng khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Có thể kể đến các vụ việc PVTM gần đây nhằm vào hàng XK Việt Nam hoặc hàng Việt Nam chịu ảnh hưởng liên đới như: Mỹ áp thuế với nhôm, thép nhập khẩu; Uỷ ban châu Âu khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép nhập khẩu; Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam...

Cá tra Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá cao khi xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến nay, đã có 128 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá XK của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (25 vụ); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (19 vụ); Ấn Độ (15 vụ) và thứ tư là EU (14 vụ).

Trong số này, dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (77 vụ, chiếm 60%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (23 vụ, chiếm 18%); các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (17 vụ, chiếm 13%) và các vụ việc chống trợ cấp (11 vụ việc, chiếm 9%).

Theo đại diện Cục PVTM, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu nên ít hay nhiều đều bị kiện. Phó Cục trưởng Cục PVTM Chu Thắng Trung cho hay, hàng hoá bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM rất đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

"Trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch XK lớn như thuỷ sản, da giày mới bị kiện nhưng nay, các mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hoá XK nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng PVTM", ông Trung cho hay.

Thuế giảm, rào cản khác lại tăng

Theo Cục PVTM, khi hội nhập sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Do vậy, các biện pháp PVTM ngày càng được các nước sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để bảo hộ sản xuất trong nước.

Một cường quốc như Mỹ cũng đã phải ban hành mức thuế 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% cho nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Trong đó, thép Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng chịu ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép phân tích: Trung Quốc sản xuất trên 800 triệu tấn thép mỗi năm, chiếm gần 50% sản lượng thép toàn thế giới. Nước này muốn XK thép đi bằng mọi cách nên đã áp dụng giảm giá bán. Trong khi đó, tại các nước nhập khẩu thép như Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thép trong nước khá cao, không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu nên đã tiến hành áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.

"Xu thế chung là nước nào cũng muốn bảo vệ nền sản xuất của mình. Hầu hết vụ việc áp dụng các biện pháp PVTM của các thị trường đều phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Sưa nói.

Sản xuất phôi thép tại Công ty TNHH thép Hiền Dương, cụm công nghiệp Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Các chuyên gia thương mại quốc tế chỉ ra rằng, trong thời kỳ suy thoái và khủng hoảng kinh tế, các ngành sản xuất trong nước bị suy giảm nên cần dùng đến các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích của mình khiến số lượng các vụ việc PVTM xảy ra nhiều hơn.

Trong khi đó, công tác kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn chưa hiệu quả do mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về PVTM còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm kháng kiện, chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, quyết tâm khi kháng kiện. Ngoài ra, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chi phí kháng kiện rất cao, để thành công cần phải thuê luật sư tư vấn từ chính nước khởi xướng điều tra.

Ông Chu Thắng Trung cho biết, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra trong việc cung cấp tài liệu, số liệu, hợp đồng, hoá đơn chưa đầy đủ. Một số doanh nghiệp còn tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác kháng kiện.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho mình trong việc tham gia các vụ kiện PVTM, ông Trung cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác nước ngoài vì nhóm này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi các vụ việc điều tra PVTM. Tiếng nói phản đối điều tra của các nhà nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết định của cơ quan điều tra nước ngoài.

“Phần lớn các sản phẩm bị điều tra thường rơi vào những mặt hàng sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều lao động giá rẻ… với giá trị gia tăng không cao. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc”, ông Trung đề nghị.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Thép xuất xứ Việt Nam bị EC điều tra phòng vệ thương mại
Thép xuất xứ Việt Nam bị EC điều tra phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở một cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường châu Âu, trong đó có thép xuất xứ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN