Vị trí xếp hạng có bước tiến đáng kể, thu hút dòng vốn FDI
Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết: Năm 2022 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trong suốt chặng đường 30 năm qua, với nhiều nét tương đồng về văn hóa truyền thống, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển một cách thực chất và toàn diện. Đến nay, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, còn Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong chính sách hướng Nam mới. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.
"Trong giai đoạn chịu tác động của COVID-19, Chính phủ, người dân và giới doanh nghiệp Hàn Quốc đã chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam, ủng hộ Quỹ vaccine, viện trợ vaccine và trang thiết bị, vật tư y tế. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực để hai nước phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch; trong đó kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng và là trụ cột quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích hài hòa của hai bên", bà Vũ Việt Trang khẳng định.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký lũy kế từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 9/2022 đã đạt hơn 80,5 tỷ USD, với hơn 9.400 dự án đang có hiệu lực. Tính riêng 9 tháng năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 18/10, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho biết: “Trong giai đoạn khó khăn nhất của COVID-19 (năm 2020 - 2021), Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Riêng trong 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022”.
Các chuyên gia kinh tế đều nhận định: Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn đã quay trở lại hoạt động với 100% công suất và mở rộng đầu tư.
Đặc biệt, thời gian qua, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới; các tổ chức như: Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”.
Gần đây nhất, tháng 9/2022, theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Fitch Solutions, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á và xếp thứ 20 trong số 201 quốc gia trên thế giới độ mở của nền kinh tế.. Điều này cho thấy các kết quả, thành tựu của Việt Nam trong xây dựng môi trường đầu tư “An toàn - Tiềm năng - Hiệu quả” được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo khảo sát nhanh gần đây do Bộ KH-ĐT phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF): Trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
Có 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ như: Miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine COVID-19 ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…
“Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.
Theo Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, trong số các doanh nghiệp đầu tư FDI, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về tổng số vốn đăng ký và tổng số dự án đầu tư với khoảng 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD vốn đăng ký. Tính riêng trong 9 tháng năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/97 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD. Đặc biệt, đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, M&A, dịch vụ chất lượng cao.
Đại diện Bộ KH-ĐT tin tưởng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị thế đối tác FDI hàng đầu. Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện thực hóa “Mục tiêu kép”, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD. Các lĩnh vực tiềm năng mới doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư như: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học, điện tử, năng lượng sạch, kinh tế xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền sở tại
Ông Bae Yong Geun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) chia sẻ, Việt Nam, tâm chấn của làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á, là một điểm đến quan trọng và hai nước đã trở thành những quốc gia hợp tác chặt chẽ nhất trên thế giới.
“Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch”, ông Bae Yong Geun cho biết.
Tại tọa đàm, ông Yoon Chang Woo, Tổng Giám đốc POSCO Việt Nam đã đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19. “Nhờ có sự hỗ trợ tích cực, vô cùng nhiệt tình từ chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp, chúng tôi đã có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn lớn”, lãnh đạo POSCO Việt Nam cho biết. Theo ông Yoon Chang Woo, các tỉnh miền Nam thời gian tới cần phát triển nguồn cung nhân lực hoặc cơ sở hạ tầng chủ chốt. Vì tương lai, trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, sẽ có sự lo ngại rằng các điều kiện đầu tư có thể xấu đi do hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng.
“Khu công nghiệp DEEP C sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm ‘đại bàng’ và khu công nghiệp mới này sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững mà 5 khu công nghiệp hiện đang hướng đến”, ông Koen Soenes cho biết.
Theo bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Quảng Ninh mới thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Gangwon (Goang Gon), hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Jeju...
Trong lĩnh vực đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án FDI có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc còn hoạt động với tổng số vốn là 123,5 triệu USD, đứng thứ 9/21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông lâm nghiệp; dịch vụ ăn uống; bán buôn, bán lẻ; giải trí, truyền thông; giáo dục - đào tạo.
“Kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Hàn Quốc của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đạt 19,8 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,2 triệu USD. Có thể thấy, những con số trên thể hiện kết quả hợp tác giữa Quảng Ninh với các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc thời gian qua còn rất nhiều dư địa phát triển”, bà Vũ Kim Chi cho biết.
Dưới đây là clip chia sẻ của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT với phóng viên báo Tin tức về tình hình thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam: