Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang làm việc về Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 4 từ ngày 10/10.
Đoàn dự kiến gồm đại diện của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) và Phái đoàn EC tại Việt Nam.
Mục tiêu chuyến làm việc là nhằm đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại thông báo cảnh báo “thẻ vàng” của EC ngày 23/10/2017, trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần 3 vào tháng 10/2022 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Nội dung kiểm tra dự kiến là kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trong đó tập trung vào kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Dự kiến, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.
Sau đó, Đoàn sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.
Dự kiến, ngày 18/10, Đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần này, Bộ NN&PTNT tập trung đề rõ các mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam; Tạo được niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản 2017.
Bộ cũng thể hiện việc chủ động tăng cường hợp tác với EU trong việc thúc đẩy và triển khai có kết quả các khuyến nghị của EC tại cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam chỉ còn khoảng 2 tuần “nước rút” cho thực thi các giải pháp quyết liệt để chống IUU và gỡ “thẻ vàng”.
"Chúng ta cần phải nghiêm túc xử lý, để lúc EC sang thanh tra họ thấy rằng Việt Nam đã thực sự cầu thị, thực sự hành động. Từ nay đến 9/10, trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4 về IUU, cần hoàn thiện sửa đổi dứt điểm hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Sau hơn 5 năm EC cảnh báo "thẻ Vvàng", trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. EC cũng khẳng định "có khung pháp lý rõ ràng" và mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU sớm nhất có thể.
Trong thời gian qua, Việt Nam tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật. Theo đó, đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục.
Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” không chỉ làm làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn làm suy giảm uy tín của Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm.
Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt “thẻ đỏ” cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.
Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Từ tháng 11/2022 đến nay, Việt Nam tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật.