Thông qua đó, phát hiện những tồn tại, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu hoạt động kiểm tra, đánh giá phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn; tuân thủ đúng quy định của pháp luật theo Nghị định số 29/2021/NÐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 08/2022/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là cơ quan đầu mối chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá 49 dự án mới. Cụ thể, 30 dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp thành phố gồm: 15 dự án giao thông vận tải; 9 dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn; 5 dự án văn hóa, xã hội; 1 dự án tái định cư. Cùng đó là 19 dự án vốn ngoài ngân sách gồm: 5 dự án dịch vụ thương mại, khách sạn; 7 dự án hạ tầng kỹ thuật; 3 dự án giáo dục đào tạo; 4 dự án đô thị, nhà ở.
Riêng nhóm dự án ngân sách thành phố hỗ trợ 18 huyện, thị xã thuộc Kế hoạch triển khai xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố đề nghị lựa chọn xác suất để kiểm tra từ 1 đến 2 dự án mỗi lĩnh vực được hỗ trợ thuộc mỗi địa bàn kiểm tra.
Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thực hiện đánh giá hiệu quả 2 dự án: cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đầm Buộm, huyện Chương Mỹ và dự án cải tạo trạm bơm tiêu Săn, huyện Thạch Thất. Đồng thời, yêu cầu các Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn 2 dự án thuộc lĩnh vực ngành quản lý, tổ chức đánh giá hiệu quả đầu tư hoặc đánh giá tác động của dự án.
Cùng với đó, các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ giám sát chuyên ngành đối với các dự án đầu tư; chủ động xây dựng kế hoạch và giám sát chuyên ngành đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả giải ngân của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực với giá trị vốn giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Đến hết ngày 15/01/2024, lũy kế giải ngân của toàn thành phố là 50.690 tỷ đồng, đạt 88,5% kế hoạch thành phố giao, đạt 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, một số dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng. Một số dự án sử dụng vốn ODA vướng do gia hạn hiệp định vay, thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, năng lực một số nhà thầu hạn chế; các dự án thuộc lĩnh vực di tích gặp nhiều khó khăn ở thủ tục đầu tư; sổ lượng dự án chuyển tiếp hoàn thành chưa cao; nguồn thu từ đất của một số địa phương còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách của cấp huyện.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công của Hà Nội là 81.033 tỷ đồng (gấp 1,72 lần so với đầu năm 2023); trong đó, đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 36.100 tỷ đồng (gấp 2,24 lần so với kế hoạch năm 2023 giao đầu năm).
Dự báo năm 2024 còn nhiều thách thức, khó khăn về tỷ lệ giải ngân, huy động nguồn vốn và những tồn tại, vướng måc chuyển tiếp, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương và đơn vị liên quan phải có giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm để giải ngân được hết kế hoạch vốn được giao.
Thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 ở cấp thành phố và cấp huyện; trong đó, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm của thành phố và các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai ngay từ đầu năm, tạo chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện các công trình trọng điểm và các dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn. Các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, giải ngân theo từng tháng, chi tiết từng dự án, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
"Các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt, nhận diện rõ vướng mắc, rõ địa chỉ giải quyết để chủ động phối hợp xử lý, đề xuất biện pháp khắc phục đối với các khó khăn vượt thẩm quyền; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; quản lý chặt chẽ dự án, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; rà soát kỹ đối với các dự án có kế hoạch vốn năm 2023 không giải ngân hết. Thành phố chỉ xem xét, quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 sang năm 2024 trên cơ sở các đơn vị báo cáo, chứng minh dự án đủ điều kiện kéo dài vốn…", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.