Tại hội nghị, thành phố Hà Nội thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cung cấp các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi Hà Nội đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, bằng những nỗ lực và giải pháp quyết liệt, đến nay thành phố Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, đưa Thủ đô Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố Hà Nội trong thời gian qua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những tấm lòng, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thực sự là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thành phố, trước xã hội và trước nhân dân Việt Nam.
“Trong nhiều năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, chính quyền thành phố Hà Nội xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Chính quyền thành phố luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở, ngành liên quan, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, hiệp hội… đã cùng trao đổi, giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: các vấn đề về thuế, bảo hiểm xã hội, vaccine, cấp và gia hạn giấy phép lao động của chuyên gia và người lao động nước ngoài, quy định hạn chế xuất nhập cảnh, thực hiện quy định phòng chống dịch và một số vấn đề y tế của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đặc thù (lĩnh vực giáo dục đào tạo) chưa được tiếp tục hoạt động… Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, thành phố Hà Nội sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, khi Hà Nội đã mở cửa trở lại, các doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm việc. Ông Minh cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn hơn về phương án chống dịch, tránh vì một ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...
“Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng vốn FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Minh khẳng định.
Chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Global Toserco thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn cho biết, họ đã phải hoạt động cầm chừng trong thời gian dài, thậm chí dưới 5% công suất thực tế, nhiều khách sạn không hoạt động trong gần 2 năm. Doanh nghiệp này đề nghị chính quyền Hà Nội cần có chính sách quyết liệt trong việc cho khách sạn đón khách nếu khách đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine, tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch; đồng thời, cần có chính sách mở cửa du lịch, sân bay…
Ở lĩnh vực giáo dục, đại diện Trường Đại học Anh quốc (BUV) đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội nới lỏng, thay đổi các điều kiện về hồ sơ cấp phép cho giáo viên nước ngoài trong bối cảnh giãn cách xã hội và không thể bay ra nước ngoài vì không có đường bay để xin các giấy tờ theo quy định.
Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Thủ đô Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn.
Thấu hiểu những khó khăn do tác động của dịch COVID-19, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; đồng thời tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội thực hiện ngay việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021 cho trên 31.000 người nộp thuế, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào khoảng 22.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ; thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho 650 người nộp thuế, với số tiền thuê đất được giảm vào khoảng 250 tỷ đồng theo quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ...
Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số...
Thành phố cũng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự đô thị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Là trái tim của cả nước, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, mặc dù diện tích của thành phố Hà Nội chỉ chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và dân số chỉ chiếm khoảng 8,5% dân số của cả nước, nhưng thành phố Hà Nội đã đóng góp khoảng 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Điều này đã khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển quan trọng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD. Riêng trong năm 2018 và năm 2019, thành phố Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ ba trên cả nước với số vốn là 3,83 tỷ USD.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2021, mặc dù thành phố Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố, với khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của toàn thành phố. Đây là một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Hà Nội và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.