Hà Nội: Hàng hóa dồi dào cả ở chợ dân sinh lẫn siêu thị, giá có nhích nhẹ

Sáng 19/7, ngày đầu thực hiện Công điện số 15 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tại nhiều chợ dân sinh, giá cả có biến động tăng nhẹ, còn tại các siêu thị hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. 

Chú thích ảnh
Mặt hàng rau xanh đắt khách.

Giá cả tăng nhẹ

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội sáng 19/7, giá các mặt hàng rau xanh và thịt ở một số nơi tăng nhẹ. Tại chợ Yên Duyên lúc 8 giờ 30 phút, các sạp hàng bán thịt lợn, thịt bò tại chợ cơ bản đã trống hàng. Nhiều tiểu thương đã lấy thêm hàng về để bán. 

Chú thích ảnh
Tại chợ Yên Duyên, hàng hóa vẫn dồi dào, lượng mua lớn.

Chị Nguyễn Hoa, tiểu thương tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn sáng 19/7 vẫn bình thường, chưa tăng giá so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, lượng người mua hàng tăng đột biến, nên hết hàng sớm.

“Bình thường phải đến 10-11 giờ mới hết hàng, nhưng nay đến 8 giờ 30 phút nhà tôi đã hết. Nhiều tiểu thương đã gọi mối hàng để chuyển thêm về bán”, chị Hoa cho biết. 

Tại chợ Đại Từ, Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Trần Văn Toàn, tiểu thương bán mặt hàng trứng, thịt lợn tại đây cho biết: “Đầu giờ sáng 19/7, thịt lợn đã được bán hết do người dân hỏi mua khá nhiều. Bình thường phải đến trưa mới hết hàng thì nay hàng đã hết sớm. Trước đó, tối 18/7, ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được UBND thành phố phát đi, một số khách quen, nhất là cửa hàng ăn uống đã gọi điện đặt mua. Nguồn hàng tôi lấy tại quê ở huyện Chương Mỹ không thiếu, giá cả ổn định nên nay tôi bán không tăng giá so với trước. Dịch bệnh ai cũng khó khăn nên không vì thế mà tăng giá kiếm lời”. Theo đó, giá thịt lợn nạc vai dao động là 130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ là 130.000 đồng/kg; xương thăn 130.000 đồng/kg; thịt thăn sấn từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Cùng với thịt lợn, thịt bò cũng đắt hàng. Theo chị Lê Thị Dung, tiểu thương bán hàng thịt bò ở chợ Đại Từ, do phần lớn khách mua thịt đều là khách quen nên giá cả bán vẫn ổn định, dù có thể điều chỉnh tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/lạng bởi nhu cầu tăng. “Hôm nay tôi bán đắt hàng nên hết từ sớm. Giá thịt bò vẫn duy trì mức cũ là 250.000 đồng/kg; bắp lõi là 250.000 đồng/kg; bắp bò hoa ngon 350.000 đồng/kg; thịt vai bò từ 230.000 đến 240.000 đồng/kg", chị Dung cho biết.

Còn mặt hàng cá cũng đắt hàng, tăng giá nhẹ. Theo đó, cá diêu hồng 50.000 đồng/kg, cá trắm to  70.000 đồng/kg, cá chim 35.000 đồng/kg… Tiểu thương tại chợ cho biết, riêng hàng cá trắm to sáng 19/7 đã tăng lên 10.000 đồng/kg, mà không có nhiều hàng để lấy. Tôm tươi sớm hết hàng, giá dao động từ 180.000 đồng/kg - 250.000 đồng/kg. 

Chú thích ảnh
Giá cá tăng nhẹ so với ngày thường.

Các loại rau xanh cũng tăng giá nhẹ, bí xanh ngày 18/7 có giá 12.000 đồng/kg, sáng 19/7 đã lên 18.000 - 20.000 đồng/kg, mướp tăng 2.000 đồng/kg, có giá 12.000 đồng/kg, rau muống có giá 10.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng/mớ, rau dền có giá 7.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng/mớ.

Theo phản ánh của các tiểu thương, giá rau xanh tăng nhẹ và rất đắt hàng. Ngay từ sáng sớm lượng người mua đông nên các tiểu thương cũng phải bổ sung nguồn hàng vài lần mới đủ bán. 

Chú thích ảnh
Thịt lợn giá ổn định, chưa tăng giá.

Riêng mặt hàng trứng khan hiếm và tăng giá hơn. Theo anh Trần Văn Toàn, tiểu thương chợ Đại Từ cho biết, nếu bình thường trứng gà nhập vào có giá là 30.000 đồng/chục, bán ra 33.000 đồng/chục; thì nay giá nhập về đã là 35.000 - 36.000 đồng/chục. 

Tương tự, chủ hàng phở ngõ 77 Đặng Xuân Bảng cho biết, mặt hàng trứng và mỳ tôm Hảo Hảo khan hiếm, riêng giá trứng tăng khá mạnh. Bình thường cửa hàng này nhập về bán cho khách ăn phở, mỳ là 30.000 đồng/chục trứng gà ta, nay là 40.000 đồng/chục. Mỳ tôm Hảo Hảo có giá bán 3.300 đồng/gói, tương đương 100.000 đồng/thùng, nhiều người mua.

Siêu thị giá ổn định

Tại các siêu thị, ghi nhận của phóng viên sáng 19/7, các mặt hàng dồi dào, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua đồ. Giá hàng hóa tại siêu thị cơ bản được bình ổn. Theo đó, tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai, các loại rau vẫn niêm yết giá ổn định, không có hiện tượng tăng giá. Theo đó, bắp cải trắng có giá 15.900 đồng/kg, rau mùng tơi có giá 14.000 đồngkg, bí xanh 14.900 đồng/kg, rau ngót 26.900 đồng/kg, cải bẹ xanh 20.000 đồng/kg, su su có giá 13.500 đồng/kg, củ cải trắng 14.900 đồng/kg…

Các loại thịt, cá phong phú, không thiếu hàng. Cá hồi có giá 389.000 đồng/kg, cá trích 47.000 đồng/kg, rô đồng 65.000 đồng/kg, các loại mực có giá từ 109.000 - 330.000 đồng/kg… Thịt ba chỉ có giá 175.000 đồng/kg, sườn non có giá 187.900 đồng/kg, nạc đùi có giá 158.900 đồng/kg…

Chú thích ảnh
Tại Vinmart Timescity, rau đầy kệ, giá ổn định.

Ngoài ra, các loại hải sản, thịt đông lạnh cũng được người dân lựa chọn mua vì giá cả phải chăng và có thể để được trong thời gian lâu hơn thịt tươi.

Theo Bộ Công Thương, chiều ngày 18/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước. Ngay sau khi quyết định được ban hành, ở Hà Nội đã có hiện tượng người dân đến một số siêu thị, cửa hàng để mua sắm, tích trữ hàng hoá, lương thực, thực phẩm.

Chú thích ảnh
Không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng.

Trước lo lắng của người tiêu dùng về việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường và cam kết không tăng giá trong thời điểm này.

Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…

Chú thích ảnh
Thịt, cá đầy kệ.

Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hỗ trợ kết nối tiêu thụ gần 200.000 tấn nông sản, trái cây, thủy hải sản, gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Nam. Thành phố cũng chỉ đạo các quận nội thành thống nhất, lựa chọn 24 điểm để giới thiệu các tỉnh, thành phố tổ chức điểm bán nông sản mùa vụ các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, ngoài 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện để bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán lưu động khi cần thiết.

Mặc dù các hệ thống phân phối đang phải đối mặt với một số khó khăn về nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam, song Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống phân phối trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online… để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.

"Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân", bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc, kiểm tra tại nhiều địa bàn để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá… Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, không chỉ riêng Hà Nội, tại nhiều địa phương khác, lực lượng Quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các cá nhân, doanh nghiệp tăng giá, găm hàng trong dịch.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Thu Trang - Minh Phương (Báo Tin tức)
Hà Nội chuẩn bị hàng hóa gấp 3 lần, khẳng định không thiếu, người dân không nên tích trữ
Hà Nội chuẩn bị hàng hóa gấp 3 lần, khẳng định không thiếu, người dân không nên tích trữ

Sau khi Hà Nội triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thủ đô, trong ngày và tối 18/7 tại nhiều siêu thị có hiện tượng người dân đến mua sắm hàng hóa đông hơn bình thường. Tuy nhiên, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, hàng hóa được dự trữ gấp 3 lần, người dân không nên tích trữ hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN