Hà Nội đạt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Với tinh thần quyết liệt, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo đột phá trên một số lĩnh vực, năm 2018, kinh tế - xã hội của Thủ đô đạt được kết quả tương đối toàn diện và tích cực.

Chú thích ảnh
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông qua hồ Hoàng Cầu, Quận Đống Đa. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Đó là đánh giá của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của thành phố Hà Nội tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 16 do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 28/11.

Tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 100% dự toán, đặc biệt thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Công tác quản lý và phát triển đô thị cũng chuyển biến tích cực. Thành phố có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 324/386, thêm 4 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm 2018 ước đạt 46 triệu đồng. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 2,57% (năm 2017) xuống còn 1,6% (năm 2018).

Một số quận đã không còn hộ nghèo. Quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, báo chí xuất bản được tăng cường. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; kỷ cương hành chính được củng cố, chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao. An ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ 5 nhóm hạn chế, khuyết điểm cần quan tâm khắc phục.

Đó là việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế. Vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm.

Việc phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao.

Tình hình khiếu kiện, tập trung đông người trên địa bàn còn diễn biến phức tạp; việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội còn chưa tốt và còn để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc.

Xác định năm 2019 là năm cần tăng tốc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020, có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 5 năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí Thành ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Năm 2019, thành phố phấn đấu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5% trở lên; trong đó, dịch vụ tăng 7,1 - 7,3%; công nghiệp - xây dựng 8,5 - 8,7%, nông nghiệp 2,5 - 3%. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5 - 11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5 - 8%,…

Tuyết Mai (TTXVN)
Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2019: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2019: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN