Tại hội nghị, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết, đến hết năm 2020, thành phố đã đánh giá phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP, của 216 chủ thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 731 sản phẩm 4 sao và 306 sản phẩm 3 sao.
Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận từ 3 sao trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, mỗi quận, huyện thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ông Chu Phú Mỹ yêu cầu, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố bám sát các tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/08/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để đánh giá một cách khách quan, công bằng.
Ông Chu Phú Mỹ cũng chỉ đạo đối với các tất cả các sản phẩm cần nghiên cứu hồ sơ, xem xét các tiêu chí liên quan đến các sở, ngành của mình để tham gia ý kiến, bổ sung các chủ thể những nội dung chính, tuyệt đối không được nợ tiêu chí. Các chủ thể, đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm mẫu, để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đánh giá.
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn thành phố theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bà Nguyễn Phi Thanh Vân, chủ thể sản phẩm bún gạo lứt và phở gạo lứt lần đầu tiên mang sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết, đây sẽ là cơ hội để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình. Bởi sản phẩm được Hội đồng đánh giá khách quan về mặt chất lượng, cộng nhận đạt chuẩn OCOP khi mang ra thị trường sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Sản phẩm của cơ sở đảm bảo 100% nguyên liệu sạch, không sử dụng phẩm màu, hóa chất. Đặc biệt, gạo lứt, rau củ quả phải là nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quá trình sản xuất cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,đồng thời môi trường sản xuất xung quanh đảm bảo tiêu chí xanh, sạch.
Ông Nguyễn Phi Tiến, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trí Đức, chủ thể của các sản phẩm nước gừng xay, rượu gừng hạ thổ, gừng tươi, tinh dầu gừng, gừng mật ong cho biết, sản phẩm của đơn vị mới phát triển từ năm ngoái, chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường nên về bao bì, hướng dẫn sử dụng…, chưa rút được nhiều kinh nghiệm. Hầu như sản phẩm của công ty mới là dạng thực phẩm, đang được hoàn thiện về bao bì để giúp khách hàng dễ dàng nhận biết các ứng dụng của từng sản phẩm.
Theo bà Vương Thị Kim Thắm, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc (đơn vị tư vấn cho các chủ thể của huyện Hoài Đức), các sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP của huyện năm 2021 đều đạt chất lượng. Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến... đều có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng như: VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, ISO 22000...
Tuy nhiên, nhiều chủ thể chưa biết cách đầu tư cho tem nhãn, bao bì sản phẩm; chưa thực hiện đăng ký chất lượng, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm... nên sản phẩm còn đơn giản, cần được hỗ trợ hoàn thiện, nâng cao chất lượng để tham gia vào Chương trình OCOP nhiều hơn. Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội khẳng định được uy tín, chất lượng sản phẩm thì thông qua việc đánh giá, phân hạng của Hội đồng, các chủ thể cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng để đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.