Gỡ khó để doanh nghiệp lâm, thủy sản sẵn sàng khi thị trường hồi phục trở lại

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản, ngày 13/4, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại; hỗ trợ vốn, lãi suất ngân hàng; hoãn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy hoàn thuế giá trị gia tăng… để kịp thời gỡ khó cũng như hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, sẵn sàng hàng hóa khi thị trường hồi phục trở lại.

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, quý I năm 2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt tương đương năm 2022. 

Trước khó khăn về thị trường, VIFOREST đã đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ địa phương chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó sản phẩm tập trung vào tiêu chí là giá phải tốt, phù hợp với thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. 

Các doanh nghiệp tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất; trong đó chú trọng đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực.  Đồng thời đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

VIFOREST kiến nghị các bộ ngành, địa phương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại như: Trung Đông, Nam Mỹ... Thành lập các cụm, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ và chế biến lâm sản tại các vùng, địa phương có tiềm năng; thành lập trung tâm thương mại quốc tế có tầm cỡ, quy mô; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung trong nước... cũng như các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

VIFOREST kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng (hiện tại không có) để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm. Thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp.

VIFOREST đề nghị các tham tán thương mại thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.

Đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, hiện Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
 
Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm. Đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Với tình hình xuất khẩu khó khăn hiện nay, VIFOREST đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 - 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023; được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 3 tháng đầu năm nay dưới nhiều tác động của cả tình hình thế giới và nội tại khiến kết quả xuất khẩu quý I/2023 chỉ đạt 1,85 tỷ USD, giảm -27% so với cùng kỳ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, từ cuối 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng từ 3-5 tháng (dù đã ký hợp đồng), các đơn hàng ký mới cũng giảm đáng kể. Diễn biến này khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu ngay một loạt áp lực lớn từ đầu quý 1 năm nay như: tồn kho tăng cao, phải điều chỉnh giảm công suất sản xuất, thiếu dòng tiền về để tiếp tục thu mua nguyên liệu của nông-ngư dân và trả các khoản vay ngân hàng đến hạn.

Tình hình các đơn hàng mới cho quý II/2023 cũng chỉ đạt từ 30-60% so với quý II/2022. Không ít doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.

Để tháo gỡ khó khăn, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, các doanh nghiệp đã tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn như Trung Quốc, tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi, sống; nghiên cứu thêm nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mới và tập trung hàng giá trị gia tăng cho các thị trường: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ. Đồng thời, mở rộng sang các thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng nhờ kinh tế ổn định hơn: khu vực Trung Đông, ASEAN.

Các doanh nghiệp cũng tận dụng ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu sang các thị trường: EU, Canada, Mexico, Australia, Nhật Bản... giữ được vị thế cạnh tranh sovới các nước khác.

Theo VASEP, hệ lụy của “sụt giảm” thị trường tiêu thụ trong nửa đầu năm 2023 tác động tiêu cực đến lực lượng nhân dân sản xuất nguyên liệu trong nước là vấn đề lớn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Việt Nam, năng lực của ngành và kim ngạch xuất khẩu.

Do đó, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt một chương trình kích cầu để tạo động lực và duy trì việc thu mua nguyên liệu thủy- hải sản, tạo tâm lý chung tốt cho nông-ngư dân tiếp tục sản xuất nguyên liệu. Chương trình đề xuất cụ thể là gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ VNĐ với lãi suất thấp để doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu.

Hiện các doanh nghiệp thủy sản đang vay USD ở mức cao từ 4,2 - 4,9%. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I và II/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu  của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp  có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu. 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

VASEP cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.

Bích Hồng (TTXVN)
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm, thủy sản
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm, thủy sản

Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm, thủy sản.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN