Ngay từ bây giờ, họ đã ráo riết hành động để chuẩn bị cho nguy cơ căng thẳng thương mại, khiến hệ thống thương mại toàn cầu đứng trước bờ vực rối loạn, chi phí leo thang và dễ tổn thương trước các cú sốc.
Bà Sunny Hu, chủ một công ty sản xuất bàn ghế ngoài trời ở Hàng Châu (Trung Quốc), đang gấp rút xuất hàng sang Mỹ, đồng thời tìm cách đa dạng hóa thị trường. Tại Đức, nhà sản xuất rượu Matthias Arnold cũng vội vã hoàn thành các đơn hàng đặc biệt từ Mỹ trước khi ông Donald Trump có thể tái áp thuế với mặt hàng rượu vang của châu Âu.
Theo ông Robert Krieger, Chủ tịch công ty tư vấn Krieger Worldwide (Mỹ), thị trường đang trong giai đoạn "hoảng loạn" và một đợt sóng lớn đang ập đến với chuỗi cung ứng.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, Giám đốc điều hành (CEO) Win Cramer của công ty JLab (California) đã chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để tránh thuế. Ông cho biết nếu ông Trump đánh thuế như đã đề xuất, lần này ông sẽ tăng giá sản phẩm, đồng thời tạm dừng tuyển dụng cho đến tháng Sáu năm sau do tình hình bất ổn.
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đặt hàng, tìm nhà cung cấp mới, hoặc đàm phán lại các điều khoản với đối tác hiện tại. Các biện pháp này đều làm tăng chi phí, từ việc tăng lượng hàng tồn kho, đẩy nhanh tốc độ vận chuyển, đến chấp nhận rủi ro với đối tác mới. Các doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ giảm xuống và cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải trả những chi phí này.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các chiến lược đã giúp doanh nghiệp vượt qua tình hình căng thẳng thương mại trong nhiệm kỳ trước của ông Trump vẫn sẽ hiệu quả trong lần này, khi không chỉ các nước cạnh tranh mà cả những quốc gia đồng minh cũng trở thành mục tiêu áp thuế của ông. Cuối tháng 11, ông đã cảnh báo áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc và 25% lên hàng từ Mexico và Canada.
Theo ông Raine Mahdi, CEO của Zipfox - nền tảng kết nối doanh nghiệp Mỹ với nhà máy ở Mexico, số lượng yêu cầu báo giá và khách hàng mới đã tăng 30% từ hai tuần trước cuộc bầu cử Mỹ và tăng vọt trở lại khi ông Trump cảnh báo áp thuế 100% với các nước BRICS.
Các cảng của Trung Quốc đã chứng kiến tổng số container được xử lý tăng ở mức hai chữ số trong hai tuần xung quanh cuộc bầu cử Mỹ và tiếp tục tăng gần 30% trong tuần thứ hai của tháng 12. Các chuyến bay vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng ít nhất 1/3 mỗi tuần kể từ giữa tháng 10.
Tại Mỹ, cảng Los Angeles và Long Beach đang chứng kiến sự gia tăng các lô hàng đến, tương tự như những gì đã diễn ra trong đợt áp thuế đầu tiên của ông Trump với hàng hóa Trung Quốc. Chỉ riêng tại cảng Los Angeles, lượng hàng nhập đã tăng 19% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với cảng Long Beach, năm 2024 là năm bận rộn nhất từ trước đến nay.
Ngoài thuế quan, việc các doanh nghiệp vội vã chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc và lo ngại về khả năng xảy ra đình công tại các cảng Mỹ cũng gây thêm áp lực lên hệ thống thương mại toàn cầu. Theo ông Robert Sockin, chuyên gia kinh tế của Citigroup, chi phí vận chuyển có thể tăng nếu hoạt động đặt hàng trước tăng mạnh, dẫn đến tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ, từ đó gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng.