Giảm tải nỗi lo thị trường rau sạch

Theo các chuyên gia trong nông nghiệp, nhu cầu rau thị trường Hà Nội hiện là 2.500- 3.000 tấn/ngày. Còn tại thị trường TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ trên 3.700 tấn rau các loại/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường rau an toàn ở Hà Nội, đại diện Công ty Giao Long (thương hiệu Rau sạch Liên Thảo) cho biết: Thời gian tới, Liên Thảo sẽ hợp tác với nông dân các huyện Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng.


Giới kinh doanh rau an toàn cho biết: Hiện, rau an toàn chủ yếu phân phối tại siêu thị và những cửa hàng rau củ quả an toàn. Tuy nhiên số lượng này rất ít và chiếm thị phần không nhiều. Vì vậy có tới 80- 90% người dân vẫn lựa chọn kênh chợ truyền thống phục vụ cho những bữa ăn hàng ngày của gia đình. Rau an toàn phân phối tại chợ ít và người tiêu dùng thì vẫn canh cánh nỗi lo.


Kỹ sư Liên Thảo làm việc tại vùng sản xuất.


Không ít người tiêu dùng chia sẻ mối lo nhiễm bệnh từ những loại rau không rõ nguồn gốc, kể cả một số sản phẩm mang danh “rau an toàn” đang lưu hành trên thị trường. Hơn nữa, giá cả những mặt hàng này lại quá cao so với khả năng của đại đa số người tiêu dùng. Còn với người sản xuất, không ít hộ cá thể, các hợp tác xã đã tham gia sản xuất rau an toàn theo các dự án, nhưng vì khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, được mùa rớt giá khiến họ không thể kiên trì, sản xuất được một vài vụ rồi bỏ cuộc.


Lãnh đạo Công ty Giao Long cho biết: Mặc dù thị trường Việt Nam đang có nhiều thương hiệu rau an toàn nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để được 3 vấn đề để tạo niềm tin cho khách hàng như: Chất lượng rau có an toàn, có nguồn gốc rõ ràng không; kênh phân phối chưa thuận tiện cho người tiêu dùng; giá cả còn cao.


Theo tìm hiểu của phóng viên Tin Tức, các nhãn hàng rau an toàn hiện nay như Bác Tôm có giá bán cao hơn thị trường rất nhiều. Ví dụ: một mớ rau muống thị trường bán 4.000- 5.000 đồng/mớ/500gram, Liên Thảo bán 6.000- 7.000/ đồngmớ/500gr, Bác Tôm bán 32.000/kg…Đại diện thương hiệu rau sạch Liên Thảo cho hay: Hiện tại, với mức giá cao hơn 30- 50% so với giá rau không rõ nguồn gốc bán tại chợ, Liên Thảo phải bù lỗ. Thực tế, chi phí của Liên Thảo phải bỏ ra để tổ chức bao tiêu và phân phối tới người tiêu dùng còn lớn hơn rất nhiều, từ chi phí quy hoạch vùng sản xuất, giám sát, kiểm định chất lượng, vận chuyển, thiết lập kênh phân phối…


“Thời gian đầu, Liên Thảo đầu tư để phát triển thị trường (đầu ra) cũng như vùng sản xuất (đầu vào). Về lâu dài, công ty sẽ tập trung vào việc quản lý chi phí và cải tiến công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng. tối ưu hóa chi phí, nâng cao sản lượng, để có thể giảm giá thành xuống hơn nữa”, đại diện marketing thương hiệu Liên Thảo nói.


Theo Công ty Giao Long, Liên Thảo đã đưa ra một quy trình giám sát các hộ xã viên hợp tác với mình tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành. Đội ngũ kỹ sư giám sát của Liên Thảo làm việc tại vùng 24/24h. Liên Thảo cũng lập các hộ thành các nhóm nhỏ và để cho các nhóm tự giám sát, chia sẻ kinh nghiệm với nhau; có cơ chế thưởng phạt rõ ràng phân minh. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải đảm bảo tiêu chí C/O, C/Q của Liên Thảo, Sạch mà Ngon.Với hệ thống phân phối rộng khắp, đại diện Liên Thảo kỳ vọng chiếm lĩnh 5- 10% thị phần (100 - 300 tấn/ngày) trong vòng 1 năm ra mắt (giữa tháng 11/2014).


Ông Lê Minh Dũng- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh cho biết: Gần như toàn bộ rau lưu thông trên địa bàn là rau an toàn được kiểm tra từ chợ đầu mối. Trong đó, nguồn rau trồng tại TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 30%, còn lại từ các địa phương khác vận chuyển vào. Nói chung, việc kiểm tra quy trình trồng rau an toàn ở các địa phương được thực hiện rất thường xuyên.


Tuy nhiên, ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Phước An (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ trăn trở: Mỗi ngày HTX đưa ra 3 tấn rau, nhưng chỉ 1/10 là có bao bì, còn lại chấp nhận bán theo mớ (không bao bì) cho siêu thị khiến hợp tác xã cũng lo lắng vì dễ nhầm lẫn với rau các nguồn khác. “Trước đây HTX sơ chế và đóng gói nên yên tâm với sản phẩm của mình, nhưng gần đây, siêu thị chỉ lấy hàng chưa đóng bao bì. Về siêu thị tự đóng gói nên bao bì ghi nguồn lấy từ HTX Phước An, nhưng ai biết được rau bên trong là của đơn vị nào, nếu trường hợp người tiêu dùng khiếu nại chúng tôi cũng sẽ không chịu trách nhiệm” - ông Dương nói.


Minh Phương

Tìm thị trường cho rau sạch
Tìm thị trường cho rau sạch

Rau sạch là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người nội trợ hiện nay. Thực tế, từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng một số vùng sản xuất rau theo hướng VietGAP để tăng diện tích rau an toàn. Tuy nhiên...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN