Trước tình trạng nhiều công trình giao thông bị đội vốn, chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng, tại cuộc họp sơ kết 9 tháng của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 7/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu phải giám sát chặt chất lượng các công trình giao thông. Xử lý nhà thầu yếu kémThứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã hoàn tất thủ tục đầu tư, thực hiện 54 dự án giao thông. Riêng trong quý III/2014, đã có 24 công trình được khởi công xây dựng như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án kéo dài, nâng cấp đường hạ cất cánh, sân đỗ tàu bay Cảng hàng không Plâycu; luồng kênh Cái Tráp; tuyến quốc lộ (QL) 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới...
Một trong số 120 cầu trên toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Bộ đã huy động được gần 34.300 tỷ đồng vốn từ xã hội hóa để đầu tư xây dựng 16 dự án theo hình thức BOT. Bộ GTVT cũng đã lập và trình báo cáo quyết toán 125/180 dự án, phê duyệt 220/305 dự án đang triển khai. Tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân trong năm 2014 khoảng 83.440 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được gần 65.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, dự án cải tạo, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) dài trên 1.500 km, đi qua 22 tỉnh, thành phố, với mật độ khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, gần 2.400 ha đất, hàng nghìn km công trình điện, nước, cáp quang, viễn thông... cần giải tỏa, hiện cơ bản đã được giải tỏa, có mặt bằng thi công. Do đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà đầu tư khẩn trương thi công, ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm thông suốt 2 làn xe, không thi công đồng thời cả hai bên tuyến, bảo đảm đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ và bố trí nhân lực phân luồng giao thông; đồng thời kiên quyết xử lý các nhà thầu không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông.
“Hai dự án trọng điểm này được Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân đặc biệt quan tâm. Năm 2015 phải hoàn thành, đưa vào khai thác. Đây là lời hứa, là trách nhiệm của toàn ngành, để đem lại lợi ích cho nền kinh tế và thuận lợi cho người dân đi lại", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Để bảo đảm các công trình giao thông khác được thực hiện đúng tiến độ về vốn, chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT cũng đã quyết liệt chỉ đạo, giám sát chặt chẽ và kịp thời xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể tại các công trình có chất lượng không bảo đảm, nhất là các công trình đường cao tốc, đường thủy nội địa và đường sắt, qua đó thay thế kịp thời các nhà thầu yếu kém. Điển hình như các công trình: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, QL3 Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 Nội Bài, đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông... khiến dư luận rất bức xúc về các sự cố, tiến độ, đội vốn... Nhờ vậy, hầu hết các công trình giao thông trọng điểm đều hoàn thành bảo đảm chất lượng, cán đích vượt tiến độ, hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Ngay trong quý IV/2014, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tương tác tốt hơn với người dân và doanh nghiệp để cùng giám sát các công trình giao thông; công khai, minh bạch những nhiệm vụ đã làm được và chưa làm được để dư luận đồng tình.
Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tảiThứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Bộ GTVT đã chỉ đạo tất cả các lĩnh vực vận tải hiện nay phải nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy hành khách là trung tâm để phục vụ. Do đó, các bến tàu, bến xe, cảng, nhà ga chỉnh trang phải không ngừng đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý điều hành, điều độ và thông tin cho hành khách nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời.
Riêng đối với tình trạng chậm, hủy chuyến bay, sau 2 tháng thực hiện Chỉ thị 15/CT - BGTVT của Bộ GTVT từ tháng 7/2014, tình hình chậm, hủy chuyển đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ chậm chuyến đã giảm từ 26,7% xuống chỉ còn khoảng 19%. Trong đó, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airline là 12%, VietJet Air từ gần 40% giờ chỉ còn khoảng 16%... Tỷ lệ hủy chuyến của các hãng chỉ còn 0,7% so với 1,7% trước đó. Với sự giám sát của Cục Hàng không Việt Nam, việc hủy chuyến vì lý do thương mại đã không còn.
Đối với ngành đường sắt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng khẳng định: Ngành đường sắt sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng không giá rẻ, do vậy, không còn cách nào khác là phải đổi mới từ thái độ phục vụ, dịch vụ, đến chất lượng toa xe... để thu hút hành khách, từ đó kinh doanh hiệu quả hơn.
Để ổn định thị trường vận tải đường bộ đang “lộn xộn” hiện nay, trước kiến nghị của nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị Bộ GTVT xử lý xe quá tải theo hướng, siết mạnh trách nhiệm của cảng bến, chứ không nên "đánh" vào người vận tải, lái xe. Vì đã thả ra đường rồi, rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng: Chủ hàng có muốn chở quá tải mà nhà xe từ chối thì sẽ không có vi phạm. Do vậy, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về người vận chuyển. Tới đây, Bộ GTVT sẽ tăng cường lắp đặt cân tại các trạm thu phí, xe quá tải buộc phải dỡ hàng mới cho qua. Như vậy, vừa bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, vừa giữ được đường, hạn chế được chi phí bảo trì, vì đây là tiền đóng góp của nhân dân.
Tiến Hiếu