Giải quyết các tranh chấp đất đai để nâng cao chỉ số PCI

Giải quyết vướng mắc về đất đai, cơ sở hạ tầng cho người dân và doanh nghiệp luôn là vấn đề thời sự và được dư luận xã hội hết sức quan tâm; Đặc biệt là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh...

Chú thích ảnh
Hạ tầng giao thông của quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Qua phản ánh từ các cơ quan truyền thông báo chí, thời gian qua, đã có không ít bất cập, tranh chấp về đất đai, dự án nảy sinh kéo theo tình trạng đơn thư khiếu nại, kiện cáo từ người dân, từ doanh nghiệp, gây nhiều bức xúc cùng những thông tin trái chiều, ảnh hưởng lớn tới uy tín của một số cán bộ, cơ quan quản lý; đồng thời tác động xấu tới tâm lý của doanh nghiệp và nhà đầu tư khi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Đánh giá tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai, tập trung giải pháp để nâng cao các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức; công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; chấn chỉnh tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn và phải có văn bản thông báo tình trạng hồ sơ và xin lỗi người dân khi hồ sơ trễ hạn.

Cùng với đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đầu mối xây dựng và triển khai Kế hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023, 5 năm 2021-2025. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân đảm bảo thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; rà soát, thống kê và thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật; có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan để thu hút đầu tư, tránh để lãng phí tài nguyên đất... Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai và triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Tiếp thu chỉ đạo từ UBND thành phố Hà Nội, Huyện ủy Mê Linh đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-HU này 1/7/2023 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Mê Linh. Động thái được xem là tích cực và thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc xử lý dứt điểm nhưng vụ việc tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; trong đó có nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong nhân dân. 

Cùng với Nghị quyết 12/NQ-HU của Huyện ủy Mê Linh về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hồng Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam, có cơ sở đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Quang Minh, bày tỏ nguyện vọng, những vướng mắc về đất đai, về quyền lợi của nhà đầu tư trong việc sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ nhanh chóng được giải quyết thấu tình đạt lý; trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và cộng đồng.

Bởi điều này sẽ là cơ sở ghi dấu những cảm nhận của doanh nghiệp khi đánh giá tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, về chi phí không chính thức hay về khả năng tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng.... để thực hiện Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - điều mà hàng năm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn tiến hành khảo sát và đặt nhiều câu hỏi cho doanh nghiệp.

Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Minh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Đông Nam cũng có kiến nghị về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình dự án Khu nhà ở Đông Nam tại quận Thủ Đức từ năm 2020. Sau 3 năm tiến hành nhiều thủ tục pháp lý, tới nay, doanh nghiệp mới được thông báo về việc tiến hành kiểm tra hiện trạng. Sự chậm trễ này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp vì hồ sơ pháp lý còn dở dang đồng nghĩa với việc giao dịch mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng sẽ bị gián đoạn và gặp khó khăn.

Mặc dù, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị liên quan như Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, Thanh tra Xây dựng và UBND phường, thành phố Thủ Đức phối hợp hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình cấp giấy cho chủ đầu tư, song những tổn thất là khó có thể bù đắp, cả về thời gian lẫn cơ hội kinh doanh.

Với góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Minh kiến nghị nhà nước cần cụ thể hóa lộ trình cấp giấy và công khai thông tin để người dân, doanh nghiệp nắm được thủ tục, quy trình và thời gian thực hiện. Tiếp cận thông tin và nhận được sự can thiệp kịp thời từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là quyền lợi chính đáng mà cả người dân và doanh nghiệp đều cần được đảm bảo và tôn trọng, mới mong đất nước có 1 môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi để phát triển.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Tích cực triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Tích cực triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Thực hiện vận hành 4 khối dữ liệu đất đai ở Trung ương gồm (Dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dữ liệu giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai), hiện nay tất cả 63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với 348/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN