Năm 2022, kinh tế Việt Nam đạt kỳ tích với kết quả tăng trưởng 8,02%, cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng của kinh tế thế giới. Bước sang năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì tổng cầu thế giới suy giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ, đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm nay giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành chủ lực suy giảm sâu: dệt may giảm 15%; giày dép giảm 17,6%; điện thoại và linh kiện giảm 15,4% đã tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế hướng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh tổng cầu thế giới suy giảm, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước suy yếu; động lực cải cách thể chế cho tăng trưởng cần có thời gian. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường chiếm 83,5% số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường.
Đối với kinh tế Việt Nam, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan toả tới tăng trưởng kinh tế. Cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu năm 2023 giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%. Trong bối cảnh đó, với sự chủ động và khẩn trương thúc đẩy giải ngân của Chính phủ, vốn đầu tư công thực hiện trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy, đồng thời đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Xin ông đánh giá đôi nét về “bức tranh” giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay?
Trong 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư công đã giải ngân được hơn 352,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 100%; Ngân hàng Nhà nước đạt 63,38%. Bộ Giao thông vận tải đạt 53,3%; Hà Nội đạt 54,5%; Bình Định đạt 62,7%; Bình Dương đạt 55%; An Giang đạt 61,5%.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ trung bình của cả nước, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.
Nhìn chung "bức tranh" giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2023 có nhiều điểm sáng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan toả đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, phản ánh nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Trong quý III/2023, nhiều dự án khởi công mới trong năm đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đi vào triển khai, đây là tín hiệu về sự bứt phá của hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm, là cơ sở để các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 95% kế hoạch đầu tư công của năm nay, bù đắp mức tăng trưởng thấp của một số ngành chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, góp phần hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh những điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công, vẫn có nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023, vậy ông có bình luận gì về thực trạng này?
Thực trạng này là hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải, theo phương châm tất cả đều được phân bổ vốn đầu tư để “cả làng cùng vui” mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Điều này thể hiện qua việc dự án chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt; năng lực của một số ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém. Đặc biệt, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện.
Chính vì vậy, tại Công điện số 749/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công....
Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm qua, vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Qua theo dõi hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong những năm qua, bên cạnh các nguyên nhân vừa đề cập ở trên, chúng tôi thấy còn có một số nguyên nhân về công tác giải phóng mặt bằng chậm, gây nên những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đã được phê duyệt; chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án.
Không những thế, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt; đồng thời, hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn.
Đầu tư công không chỉ là động lực tăng trưởng cho năm nay mà còn cho những năm tiếp theo. Vậy, thưa ông, chúng ta cần có giải pháp gì để thúc đẩy giải ngân nhanh và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công?
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong nâng cao năng lực và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới, cải tiến công tác lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án đầu tư công trở thành công trình hiệu quả.
Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; đồng thời, tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xoá bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án đầu tư để khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công. Cùng với đó, Chính phủ cần cải thiện cơ chế quản lý đầu tư, tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách.
Để khẩn trương giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.
Đặc biệt, Chính phủ cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng, theo đó, nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án; đồng thời, các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.
Xin cám ơn ông!