Giải mã định hướng chính sách mới của FED

FED nhận thấy chìa khóa để duy trì nền kinh tế thế giới ổn định là giữ cho đồng USD yếu để không gây áp lực giảm giá lên đồng NDT và Trung Quốc sẽ không phải sử dụng kho dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng nội tệ.


Đồng NDT biến động diễn ra trong bối cảnh FED vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách hôm 16/3. Ảnh:  Reuters/TTXVN

Theo mạng tin của Cơ quan phân tích thông tin tình báo "Stratfor", quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất cơ bản của nước Mỹ không nằm ngoài dự đoán, song điều gây bất ngờ là FED tuyên bố sẽ chỉ tiến hành 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay, thay vì 4 lần như kế hoạch được công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Chính tuyên bố này đã gây tác động mạnh lên đồng USD, khiến đồng bạc xanh tụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.

Sự thay đổi định hướng này không hợp với lôgic thực tế khi mà các số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang khá mạnh với thị trường lao động ổn định. Do đó, lý do dẫn đến sự thay đổi định hướng đột ngột này có vẻ như không có liên quan đến nền kinh tế Mỹ, mà chủ yếu là do những tác động của quyết định tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế thế giới. Ngày 17/12, FED đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập niên. Đồng USD đã mạnh suốt 18 tháng trước đó lại càng mạnh hơn nữa. 

Và ngay sau đó các nền kinh tế thế giới đã rơi vào tình trạng bất ổn đúng như dự đoán. Đặc biệt là trường hợp của Trung Quốc: Triển vọng Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa đã khiến đồng nhân dân tệ lao dốc. Sự tụt dốc của đồng NDT khiến các thị trường bước vào năm mới 2016 trong tâm trạng đầy lo lắng do hai nguyên nhân. Trước hết là đồng NDT có nguy cơ mất giá kéo dài cùng nhiều đồng tiền trên khắp thế giới, khiến đồng USD trở thành đồng tiền mạnh duy nhất. Thứ hai là kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hao hụt rất nhanh do Bắc Kinh phải trang trải những khoản nợ ngày một lớn do đồng USD cũng như tình trạng tẩu tán vốn do các nhà đầu tư "đánh hơi" thấy sự nguy hiểm.

Tuy nhiên, tình trạng lao dốc này không kéo dài, khi đồng USD bắt đầu yếu đi trong tháng 2 sau khi các số liệu mới vẽ lên một bức tranh ảm đạm hơn đối với nền kinh tế Mỹ và trong bối cảnh giá năng lượng phục hồi. (Nền kinh tế nom càng suy yếu, thì càng ít có khả năng FED thắt chặt chính sách tiền tệ). Và cũng đột ngột như khi bắt đầu, cơn bão kinh tế xem ra đã tan. Giá tài sản phục hồi, tốc độ hao hụt dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chậm lại, trong tháng 2 chỉ giảm 30 tỷ USD trong khi hai tháng trước giảm hơn 100 tỷ USD mỗi tháng. Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp bình ổn tiền tệ. Thế giới đã tạm thở phào.

Từ kinh nghiệm này, FED nhận thấy chìa khóa để duy trì nền kinh tế thế giới ổn định là giữ cho đồng USD yếu để không gây áp lực giảm giá lên đồng NDT và Trung Quốc sẽ không phải sử dụng kho dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng nội tệ. Các thị trường sẽ không phải hoảng loạn và do đó những mối nguy hiểm đối với các hệ thống ngân hàng cũng dịu bớt. Trong trường hợp các ngân hàng Italy, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã trợ giúp bằng cách tung ra gói cải thiện khả năng tài chính cho các ngân hàng thuộc khu vực đồng euro. Và trong tuyên bố ngày 16/3, Chủ tịch FED, bà Janet Yellen, nhấn mạnh các nguy cơ bên ngoài là một động lực khiến FEDFED giữ nguyên lãi suất.

Hiện có hai luồng dư luận trái chiều xung quanh việc FED có nên vì các nhân tố bên ngoài mà tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Một bên lập luận rằng nếu như FED không thực hiện đúng bổn phận của mình và coi trọng nền kinh tế thế giới hơn nền kinh tế Mỹ, đồng USD sẽ giữ vị trí thống trị tuyệt đối tại nhiều nơi trên khắp thế giới, và điều này rất nguy hiểm cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng những biến động của nền kinh tế thế giới hồi đầu năm cũng gây phương hại tới thị trường chứng khoán Mỹ bởi lẽ những lợi ích của nước Mỹ và của các nền kinh tế thế giới có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Dù thế nào đi nữa, thì định hướng chính sách mới của FED cũng khó có thể kéo dài và sẽ có một trong hai kết cục sau. Một là nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại một cách tự nhiên, diễn biến tương ứng với tốc độ tăng lãi suất mới. Hai là nguy cơ lạm phát ngày càng cao sẽ buộc FED phải từ bỏ chính sách mới đề ra này và vội vã siết chặt chính sách tiền tệ (có khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 này). Nếu kịch bản thứ hai trở thành hiện thực, và sớm diễn ra, trận lốc xoáy hồi đầu năm rất có thể sẽ quay trở lại với nền kinh tế thế giới.
Minh Nga
Nhận định về kinh tế Mỹ của FED chi phối thị trường vàng
Nhận định về kinh tế Mỹ của FED chi phối thị trường vàng

Trong phiên giao dịch ngày 16/3, giá vàng giao ngay tại Mỹ đã đảo chiều tăng khoảng 2% lên 1.260 USD/ounce.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN