Sau một tuần nhiều biến động song vẫn kết thúc “có hậu” trong tuần trước nữa, giá vàng thế giới trong tuần qua đã trượt giảm "thê thảm" trong bối cảnh những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu gia tăng, cùng sự trượt dốc của các thị trường chứng khoán và hàng hóa. Đây cũng là tuần trượt dốc mạnh nhất của giá vàng kể từ đầu năm tới nay. Giá vàng đã bị gây sức ép ngay trong phiên đầu tuẩn 7/5 trước sự mạnh lên của đồng USD sau khi các cuộc bầu cử tại châu Âu cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của cử tri đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng và làm dấy lên lo ngại liệu khu vực đồng euro (Eurozone) có thể chống đỡ được "cơn bão nợ" hay không.
Theo giới phân tích, việc đồng bạc xanh vọt lên mức cao nhất trong 3 tuần so với rổ tiền tệ đã gây sức ép lên những hàng hóa định giá bằng USD, trong đó có vàng. "Đồng bạc xanh" tăng giá trong bối cảnh kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp đánh đi thông điệp rằng các chính phủ mới có thể sẽ phải rút khỏi các biện pháp kinh tế "khắc khổ" do Đức đề ra để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Vàng tiếp tục lùi bước trong phiên 8/5 bất chấp xu hướng săn hàng giá hạ để mua vào. Như vậy là tính đến ngày 8/5, giá vàng đã giảm phiên thứ 6 trong vòng 7 phiên. Việc giá dầu giảm gần 7% kể từ đầu tháng cũng làm dịu nỗi lo lạm phát và qua đó cũng làm vàng giảm sức hấp dẫn như là "thiên đường đầu tư an toàn". Cũng tính tới phiên này, vàng đã được giao dịch trong khoảng 1.620-1.680 USD/ounce trong gần một tháng trời, do bị ghìm chân bởi môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi, trong khi nhà đầu tư vẫn tiếp tục dò đáy để tìm cơ hội mua giá đáy.
Tiếp sang phiên 9/5, giá vàng rơi xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua, và tuột khỏi ngưỡng 1.600 USD/ounce. Đã có lúc giá vàng giao ngay tụt xuống 1.586,74 USD/ounce, mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu tháng 1/2012 và như vậy đã giảm thêm 2% so với phiên trước. Trong khi đó, giá vàng Mỹ kỳ hạn cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, với 1.587,40 USD/ounce.
Tuy nhiên, trong phiên ngày 10/5, vàng đã kết thúc chuỗi giảm giá kéo dài 3 phiên kể từ đầu tuần khi mối lo về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp có phần lắng dịu, sau khi các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đồng ý cấp tín dụng cho Aten. Tuy nhiên, biến động chính trị tại một số nước châu Âu và "thể trạng" yếu ớt của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đã hạn chế tâm trạng hưng phấn của nhà đầu tư. Trong phiên này, giá vàng đã rời khỏi mức đáy của 4 tháng được lập trong phiên 9/5.
Thế nhưng, sự phục hồi chỉ là ngắn ngủi khi ngay trong phiên cuối tuần ngày 11/5, giá vàng lại đi theo "vết xe đổ" của chứng khoán và để mất tới gần 1% trong bối cảnh nhà đầu tư không thể rũ bỏ được các mối lo về cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và tác động của nó đối với sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và mặc dù từ trước tới nay vẫn được coi là một "nơi trú ẩn an toàn", song vàng tuần qua đã phải chịu chung "số phận" bán
tháo với chứng khoán, các kim loại công nghiệp và dầu mỏ, khi nhà đầu tư bán vàng để bù lỗ cho các giao dịch trên các thị trường khác.
Đóng cửa phiên ngày 11/5, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống chốt tuần ở mức 1.5780,25 USD/ounce. Tính chung cả tuần, kim loại quý để mất tới 3,7% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/12/2011. Trong khi đó, giá vàng Mỹ kỳ hạn giao tháng 6 cũng giảm 7,87 USD xuống còn 1.584 USD/ounce.
Các nhà phân tích nhận định, tại thời điểm này, cùng với những bất ổn tại châu Âu, mức tăng trưởng không được như kỳ vọng tại Mỹ và Trung Quốc, vàng nhìn chung sẽ được giao dịch như một tài sản rủi ro và đi theo chứng khoán. Ngưỡng hỗ trợ của vàng tới đây được giới phân tích cho là sẽ ở mức 1.500 USD/ounce.
TTXVN/ Tin Tức