Tháng 3 năm nay, sau khi các mặt hàng đầu vào quan trọng như điện, xăng dầu điều chỉnh tăng giá, cùng với tác động của yếu tố mùa vụ, dịch bệnh..., giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng lên.
Ổn định dần sau khi đã đồng loạt tăng
Trong tháng 3, giá thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn tăng đồng loạt trên cả nước với mức tăng trung bình từ 2.000 – 7.000 đồng/kg (5 – 17% so với tháng trước).
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 3 đến nay, giá thịt lợn trên khắp các tỉnh, thành trong các nước tăng và giữ ở mức cao. Hiện nay, giá lợn hơi ở miền Bắc phổ biến ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg, ở miền Nam ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg; giá lợn mông sấn ở miền Bắc từ 78.000 – 85.000 đồng/kg, miền Nam từ 73.000 – 77.000 đồng/kg.
Các loại thịt bò, gia cầm và thủy hải sản cũng tăng. Cụ thể, thịt bò loại 1 phổ biến ở mức 145.000 – 170.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Thịt gà ta từ 90.000 – 110.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp tăng 2.000 – 5.000 đồng/kg, phổ biến từ 60.000 – 70.000 đồng/kg; giá các loại cá, tôm tăng từ 10 – 25% so với tháng trước. Giá các loại trứng giá cầm cũng tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/chục. Giá các loại thực phẩm chế biến như lạp xường, giò, xúc xích, mỳ tôm, dầu ăn... cũng tăng giá trung bình từ 2,5 – 15% tùy chủng loại.
Tháng 3, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nhưng giá rau củ quả khá ổn định do chi phí tăng (ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, điện cuối tháng 2 và đầu tháng 3). Tới nay, một số loại rau củ đã vào cuối vụ nên giá bắt đầu có xu hướng tăng cao hơn, mức tăng từ 10 – 20% tùy loại.
Giá thực phẩm tăng và đứng ở mức cao chủ yếu do dịch bệnh lan rộng ảnh hưởng tới việc vận chuyển và nguồn cung thịt lợn; chi phí đầu vào cao hơn (giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng 2 – 3% từ tháng 2, tác động từ việc điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu).
Ngoài ra, do giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc cao hơn các tỉnh phía Nam nên các thương lái đã thu mua lợn hơi chuyển ra phía Bắc, đẩy giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam tăng 2.000 – 7.000 đồng/kg so với tháng 1, tháng 2. Thậm chí, tại một số tỉnh như Tây Ninh, Long An, TP Hồ Chí Minh... giá lợn hơi hiện lên mức 45.000 – 48.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương dự báo, sau khi biến động mạnh trong thời gian qua, giá thực phẩm sẽ chỉ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới.
Giá sữa tiếp tục đứng ở mức cao
Trong tháng 3, giá sữa tại các thị trường nhìn chung ổn định so với tháng 2. Sau khi tăng mạnh vào tháng 1 và tháng 2 thì hiện nay, giá sữa thế giới đã chững lại và đứng ở mức cao. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, cả giá sữa nội và ngoại vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, với sữa nhập khẩu, tiếp theo đợt tăng vào tháng 1 và tháng 2, giá tiếp tục tăng vào tháng 3: Các sản phẩm Mead Johnson tăng trung bình 10%, XO và Milex cũng tăng trung bình 5 - 15%. Trong khi đó, giá thu mua sữa tươi cũng được Vinamilk tăng từ 10/3 với mức tăng từ 480 – 1.050 đồng/kg, tăng từ 4 – 10% so với trước. Hiện, giá thu mua sữa bò tươi nguyên liệu của Vinamilk từ 11.300 – 12.000 đồng/kg. Đồng thời, các sản phẩm sữa bột và sữa đặc của Vinamilk cũng tăng giá từ 500 – 2.000 đồng/kg (tùy loại) so với trước đó.
Như vậy, qua 3 tháng đầu năm, sữa các loại đã thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn trung bình từ 5 – 15% (tùy chủng loại). Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sữa tăng giá này bao gồm: Tỷ giá ngoại tệ tăng, thuế nhập khẩu tăng từ 5 – 10% (áp dụng cho các sản phẩm sữa nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN như Mỹ, EU); chi phí mua nguyên liệu (lon thiếc, thùng giấy, giá sữa nguyên liệu...) tăng; chi phí lao động tăng; chi phí đầu vào khác như giá xăng dầu, giá điện, chi phí vận chuyển tăng. Theo Bộ Công Thương, giá sữa sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong thời gian tới.
Thu Hường