Đang tất bật vào vụ thu hoạch 10 ha sầu riêng, anh Nguyễn Ngọc Duy Tâm (ở thôn 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) phấn khởi cho biết sản lượng năm nay đạt khoảng 150 - 200 tấn, cao hơn so với năm trước. Phần lớn sầu riêng của anh được xuất bán sang Campuchia, còn lại là tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, với giá cào bằng 62.000 đồng sầu riêng Thái tại vườn, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận gia đình anh thu được từ 5 - 6 tỷ đồng.
Sở hữu vườn sầu riêng có mã vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận, ông Nguyễn Văn Hùng (ở khu phố Tân Hưng, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho biết: Gia đình ông hiện có 78 ha sầu riêng; trong đó, 58 ha đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình anh Hùng thu về hơn 700 tấn sầu riêng.
Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và cấp mã vùng trồng thì đầu ra đã được doanh nghiệp thu mua ổn định với giá từ 60.000 - 75.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân giá sầu riêng tăng trong thời gian gần đây, theo anh Nguyễn Ngọc Duy Tâm, là do hiện nay, sản lượng sầu riêng tới lứa thu hoạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn rất ít.
Nhiều nhà vườn cũng cho biết, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, khô hạn và sâu bệnh khiến nhiều diện tích vườn sầu riêng bị chết, sụt giảm năng suất. Tuy nhiên, nhờ giá tăng nên nhà vườn vẫn có lợi nhuận khá.
Ngoài yếu tố thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, theo nhiều thương lái thu mua sầu riêng, giá sầu riêng ổn định, có xu hướng tăng bởi lúc này nguồn cung ít, sầu riêng hút hàng.
Hiện giá sầu riêng dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá Ri6 đẹp lựa 65.000 - 68.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 xô có mức giá thương lái thu mua 50.000 - 52.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp lựa ở mức 97.000 - 100.000 đồng/kg; sầu riêng Thái xô đứng ở mức 78.000 - 80.000 đồng/kg.
Giá tại vườn sẽ thấp hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với giá cập nhật tại vựa tùy theo thương lái mua theo hình thức nào, mua xô hay mua lựa giá, đồng thời tùy theo đoạn đường hay khu vực vận chuyển mà giá cả sẽ có sự chênh lệch ít nhiều.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng, Nguyễn Huy Long cho hay, trên địa bàn huyện có hơn 30 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động; trong đó, có gần 10 hợp tác xã dịch vụ, cung ứng, liên kết với các hộ nông dân sản xuất sầu riêng, thu hút khoảng 450 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho hơn 500 ha sầu riêng trên địa bàn huyện.
Ngành nông nghiệp huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết lập hồ sơ cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác.
Hiện, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được địa phương tiến hành định kỳ 6 tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Để xuất khẩu sầu riêng lâu dài, bền vững, tránh rủi ro, theo ông Nguyễn Văn Hùng (khu phố Tân Hưng, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, Bình Phước), sầu riêng phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nghiêm ngặt, tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu và các điều kiện kiểm dịch…
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Phước Tiến (xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) nhấn mạnh: Hợp tác xã Phước Tiến đang áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc gia VietGAP. Khi thực hiện theo quy trình này, nhà nông phải lựa chọn phân bón và các thuốc bảo vệ thực vật phù hợp nhằm cho ra trái sầu riêng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thông tin xuất xứ rõ ràng… Sau khi được cấp mã số vùng trồng thì nhà nông phải duy trì theo quy trình này hoặc có thể theo tiêu chuẩn cao hơn như tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.
Theo ông Nguyễn Huy Long, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đăng đã phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học tổ chức tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại và quy trình canh tác cây sầu riêng Dona cho gần 200 hội viên nông dân. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, trưởng các khu phố, thôn để đồng hành với nông dân trong trồng và chăm sóc cây sầu riêng đúng kỹ thuật, theo hướng an toàn và bền vững.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp và các doanh nghiệp tham gia vào "chuỗi liên kết trồng sầu riêng", cây sầu riêng là cây khó tính kén chọn đất, nước và dễ mẫn cảm thời tiết và sâu bệnh đặc biệt là bệnh nguy hiểm, khó trị. Nếu người trồng thiếu am hiểu kỹ thuật, đặc tính của cây mà trồng theo phong trào nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn (theo tính toán, thời gian kiến thiết cơ bản cây sầu riêng từ 4 - 6 năm, chi phí khoảng 250 - 300 triệu/ha/4 năm).
Do đó, để phát triển bền vững, hiệu quả cây sầu riêng phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; duy trì và đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần tiêu chuẩn GAP nhằm cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường mới tiêu chuẩn GAP cao hơn, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo nông dân không vì giá sầu riêng lên cao mà phá vỡ chuỗi cung ứng, hợp tác liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch…