Cụ thể là lúa thường (khô) hiện có giá từ 6.300 - 6.400 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg và lúa chất lượng cao (khô) giá từ 6.600 - 6.800 đồng/kg, tăng từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, so với cuối tháng 11/2021. Nông dân Nguyễn Văn Phúc, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phấn khởi cho biết: “Lúa đang trên đà tăng giá như hiện nay, nông dân bớt lo và rất vui mừng, vì chi phí sản xuất vụ mùa này khá tốn kém, khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha do phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu, thuê công lao động, lúa giống… đều tăng mạnh so với vụ Đông Xuân năm trước. Nông dân ở đây kỳ vọng giá lúa tiếp tục tăng lên, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại để sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 được mùa, được giá.”
Nông dân Phan Văn Tâm, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cũng cho biết: “Đầu vụ xuống giống lúa Đông Xuân, giá lúa thường từ 5.300 - 5.400 đồng/kg và lúa chất lượng cao từ 5.500 - 5.600 đồng/kg, nông dân lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Vì với mức giá này, nông dân lãi rất thấp, thậm chí hòa vốn do chi phí sản xuất vụ mùa năm nay quá cao, nhất là phân bón tăng gấp đôi. Riêng những nông dân thuê đất trồng lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, trả tiền thuê đất gần như trắng tay, thậm chí thua lỗ. Đối với nông dân trồng lúa, vụ Đông Xuân là vụ lúa chính, chủ lực trong năm, nếu sản xuất không có lãi hoặc lãi quá ít sẽ ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế gia đình. Vì vậy, lúa đang tăng giá và giá càng cao, nông dân càng phấn khởi.”
Theo đó, lúa vụ Mùa 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng hơn 67.131 ha, đạt 110,6% kế hoạch, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và Gò Quao. Đến nay, nông dân đã thu hoạch hơn 25.000 ha, năng suất bình quân 5,7 tấn/ha, đầu ra tiêu thụ lúa hàng hóa ổn định.
Đối với lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch xuống giống 283.000 ha trên các vùng sản xuất trọng điểm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng. Đến nay, nông dân đã thu hoạch khoảng 4.000 ha lúa Đông Xuân gieo sạ sớm tập trung ở huyện U Minh Thượng, năng suất bình quân 5,3 tấn/ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho hay, để sản xuất vụ lúa Đông Xuân an toàn, năng suất cao, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường chăm sóc, bảo vệ lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Cụ thể là triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó nguy cơ hạn, xâm nhập mặn như: vận hành hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn hợp lý điều tiết nguồn nước; đắp đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt… đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Cùng với đó, tổ kinh tế kỹ thuật xã bám sát đồng ruộng, cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những tác động bất lợi đối với các trà lúa, nhất là sâu bệnh phát sinh gây hại, nước mặn xâm nhiễm. Đơn vị chức năng hướng dẫn nông dân phòng chống hạn, mặn xâm nhập, sử dụng nước tiết kiệm, phòng trừ dịch hại, bảo vệ lúa, khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới…