GDP quý I/2025 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước

Tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý I/2025 sáng 6/4, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế quý I/2025 đạt mức tăng trưởng 6,93%. 

Chú thích ảnh
Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại họp báo sáng 6/4

“Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và trên thế giới“, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh. 

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020 - 2025. 

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Việt Nam. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%. 

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2025 tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,98%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,71%), đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế...

Đề cập về sự tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam, chuyên gia UOB cho biết, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2025 trước bối cảnh “thương chiến” toàn cầu.

Năm 2025, kinh tế thế giới dự báo sẽ đối diện nhiều bất ổn từ những chính sách khó đoán định của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump. Cuộc chiến thuế quan dưới chính quyền Trump 2.0 có khả năng làm dấy lên căng thẳng và gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức độ mở cao về thương mại như Việt Nam. 

Tuy nhiên theo UOB, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với các động lực mạnh mẽ đến từ dòng vốn FDI liên tục tăng, đầu tư công mở rộng, cơ hội từ ngành bán dẫn, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Chú thích ảnh
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam

Theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam, kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế trong nước qua đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và khu vực bất động sản. 

“Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trong năm 2025 khoảng 875.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 36 tỷ đô la Mỹ), tăng mạnh so với số thực giải ngân năm 2024 là 568.000 tỷ đồng đã và đang tạo động lực thúc đẩy đầu tư khu vực công, làm gia tăng niềm tin đối với các lĩnh vực kinh tế khác cùng hướng đến sự phát triển”, ông Lê Thành Hưng cho biết 

Mặc dù vậy, ông Lê Thành Hưng cũng đặt vấn đề về tác động đối với kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump với 2 mối quan tâm chính. Đó là, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ áp thuế lên các mặt hàng từ Việt Nam; áp lực lên tỷ giá USD/VND khi đồng USD liên tục tăng mạnh. Mối quan tâm này xuất phát từ việc Mỹ đang là đối tác thương mại có kim ngạch thương mại song phương đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu) và có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, đại diện UOB cho rằng, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Song song đó, Việt Nam cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội tại như tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đầy tăng trưởng tín dụng để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng quan hệ đa phương, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 3 0% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN