Forbes bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam

Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam được công bố mới đây, nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), phòng thủ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, logistics, công nghệ lên ngôi; trong khi đó, bất động sản và nguyên vật liệu giảm một nửa số đại diện.

Chú thích ảnh
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2023 được Forbes Việt Nam công bố.

Đây là danh sách do Forbes Việt Nam công bố dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của công ty đang niêm yết tại Sở giao dịch TP Hồ Chí Minh (HSX) và Sở giao dịch Hà Nội (HNX). Tiêu chí được lựa chọn công ty tốt nhất phải đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng.

Kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 - 2022; mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành… Cuối cùng, vốn hóa được chốt vào ngày 30/5/2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, danh sách năm 2023 không có nhiều tên tuổi mới so với danh sách những năm gần đây. Nguyên nhân, đà suy giảm của thị trường chứng khoán và việc gọi vốn quốc tế khó khăn là lý do thiếu vắng những thương vụ IPO, niêm yết tầm cỡ. Dù vậy, điểm sáng là năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nói chung và danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất nói riêng đạt kỷ lục.

Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.490.453 tỷ đồng, tăng 24,9%. Quán quân doanh thu như thường lệ thuộc về Petrolimex, nhưng vị trí số 1 lợi nhuận thuộc về Vietcombank.

Chú thích ảnh
Đồ họa chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong nhiều năm qua. Nguồn: Forbes Việt Nam

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện danh sách, Forbes Việt Nam ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo thanh khoản trên thị trường sơ cấp gần như mất hút nhiều tháng qua. Trong khi đó, bất động sản là ngành kinh tế quan trọng có tác động đến nhiều lĩnh vực quan trọng khác như nguyên vật liệu, hạ tầng, xây dựng, công nghiệp chế tạo, du lịch lưu trú và đặc biệt hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản ở trạng thái không khỏe mạnh đã ảnh hưởng đến thị trường vốn, gồm cả thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý 1/2023 lần lượt là 341 (tăng 30,2% so với cùng kỳ) và 1.816 (tăng 60,7%). Điều này đã dẫn tới kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các công ty bất động sản niêm yết ảm đạm. Cụ thể, Novaland lỗ 410 tỉ đồng trong quý 1/2023 - quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi công ty này niêm yết năm 2016. Bên cạnh Novaland, các doanh nghiệp bất động sản thua lỗ có những cái tên khác như Đất Xanh, Cenland, Danh Khôi…

Ngoài ra, tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia khiến sức mua giảm, người tiêu dùng buộc phải thắt lưng buộc bụng. Kết quả, các lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam đều suy giảm mạnh từ các mặt hàng điện thoại, điện tử đến những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản… ảnh hưởng đến thị trường lao động, thu nhập và việc làm cả khối doanh nghiệp FDI lẫn nội địa.

Chú thích ảnh
Danh sách một số công ty trong lĩnh vực bất động sản, dân dụng, công nghiệp, công nghệ viễn thông, dược phẩm. Ảnh: Forbes Việt Nam

Báo cáo về tình hình xuất khẩu mới đây cũng cho thấy, GDP quý 1/2023 của Việt Nam tăng trưởng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ nhỉnh hơn mức 3,21% của quý 1/2020 khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát tại Việt Nam. TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 0,7%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến từ xuất khẩu và đầu tư là hai trụ cột chính chịu tác động rất lớn bởi các diễn biến địa chính trị, kinh tế thế giới.

Về lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia kinh tế đánh giá là một ẩn số. Bởi hiện nay, hoạt động của hệ thống ngân hàng liên thông trực tiếp với thị trường bất động sản. Theo đó, hoạt động ngân hàng có thể diễn theo hai chiều do phần lớn các khoản vay tại ngân hàng hiện sử dụng tài sản thế chấp là bất động sản, chiếm trên 20% dư nợ tín dụng.

Như vậy, khi thị trường bất động sản khó khăn, sức khỏe của hệ thống ngân hàng càng tiềm ẩn rủi ro và mức độ này phụ thuộc vào quy mô dư nợ tín dụng bất động sản, độ dài chu kỳ đóng băng của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, trong các dự báo lạc quan nhất, thị trường địa ốc được kỳ vọng tan băng vào năm 2024. Nhưng kịch bản thực tế có thể xấu hơn khi chu kỳ điều chỉnh của thị trường địa ốc hiện tại có những điểm khác biệt lớn so với giai đoạn trước đây.

Mặt khác, kinh tế Việt Nam vẫn có các điểm sáng khi lạm phát kiểm soát ở mức thấp và tỉ giá ổn định. Điều này cho phép Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Hải Yên/Báo Tin tức
Vinamilk thuộc top 10 trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất 2021 của Forbes Việt Nam
Vinamilk thuộc top 10 trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất 2021 của Forbes Việt Nam

Ngày 7/6/2021, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất 2021 (“Top 50”) lần thứ 9. Theo đó, Vinamilk tiếp tục đứng trong top 10 doanh nghiệp dẫn đầu danh sách này và đồng thời đứng đầu trong lĩnh vực Hàng tiêu dùng. Điều này cho thấy “phong độ” ổn định của Vinamilk khi mà Top 50 năm nay đã ghi nhận đến 19 sự thay đổi so với năm 2020 ngay cả ở những vị trí đầu bảng, do dịch COVID-19 gây ra xáo trộn trong hoạt động kinh doanh của các ngành nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN