EU sẽ ban hành quy định về sửa chữa sản phẩm cho người tiêu dùng

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc chung nhằm thúc đẩy việc sửa chữa hàng hóa cho người tiêu dùng.

Sau khi được thông qua, quy định mới sẽ đưa ra quyền sửa chữa mới cho người tiêu dùng, cả trong và ngoài phạm vi bảo đảm pháp lý, giúp sửa chữa sản phẩm dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí hơn thay vì chỉ thay thế bằng sản phẩm mới. Điều này sẽ giúp tiết kiệm cho người tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các mục tiêu tiêu dùng bền vững và Thỏa thuận Xanh châu Âu bằng cách giảm chất thải. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, quy định trên sẽ có hiệu lực trong năm nay, áp dụng với nhiều sản phẩm thiết bị điện tử, như điện thoại di động, máy tính bảng, máy giặt, máy rửa bát, tủ lạnh, màn hình điện tử, máy hút bụi, thiết bị lưu trữ dữ liệu... EU cũng có kế hoạch bổ sung pin xe đạp điện vào danh mục này. Quy định cũng yêu cầu các quốc gia thành viên EU thực hiện ít nhất một biện pháp thúc đẩy việc sửa chữa, như tặng voucher sửa chữa, thành lập quỹ sửa chữa hoặc hỗ trợ cho các sáng kiến sửa chữa của địa phương…

Thống kê cho thấy, số lượng sản phẩm như máy rửa bát, tivi hay điện thoại di động bị vứt bỏ dù vẫn sử dụng được tại các nước trong EU dẫn tới lượng rác thải công nghệ lên tới 35 triệu tấn/năm. Trong khi đó, chi phí cho việc mua mới các thiết bị thay thế tốn hơn 13 tỷ USD/năm. Vì vậy, các nhóm vận động bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường lâu nay đã thúc giục EU thắt chặt quy định nhằm đảm bảo các công ty đưa ra các lựa chọn dễ dàng hơn trong việc sửa chữa sản phẩm của công ty.

Với việc tìm được tiếng nói chung trong quy định về quyền được sửa chữa, EU đã cho thấy những nỗ lực của khối nhằm "sửa chữa" những tác động tiêu cực do con người gây ra. EU hy vọng quy định mới không chỉ giúp giảm số lượng sản phẩm công nghệ bị vứt bỏ để bảo vệ môi trường, mà còn giúp tạo việc làm và giảm sự phụ thuộc của khối vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Đề xuất "quyền sửa chữa" đã được công bố trong Chương trình nghị sự về người tiêu dùng mới và Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn. Đề xuất này giải quyết những trở ngại ngăn cản người tiêu dùng sửa chữa do sự bất tiện, thiếu minh bạch hoặc khó tiếp cận dịch vụ sửa chữa. Bởi vậy, việc khuyến khích sửa chữa như một lựa chọn tiêu dùng bền vững hơn, góp phần vào các mục tiêu về khí hậu và môi trường theo Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Sáng kiến này bổ sung cho các công cụ khác, nhằm theo đuổi mục tiêu Thỏa thuận Xanh châu Âu về tiêu dùng bền vững bằng phương pháp sửa chữa. Về phía cung, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững thúc đẩy khả năng sửa chữa của sản phẩm trong giai đoạn sản xuất. Về phía cầu, đề xuất Chỉ thị về Trao quyền cho người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi xanh cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt tại điểm bán hàng.

Đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa, điều này đồng nghĩa nếu nhà xuất khẩu hàng hóa sử dụng thương hiệu của mình, các nhà xuất khẩu phải thiết lập một hệ thống "bảo hành" đi kèm tại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến khả năng cạnh tranh bằng thương hiệu riêng tại EU của các nước ngoài EU giảm đi tương đối với chi phí gia tăng.

Uyên Hương (TTXVN)
Mật ong xuất khẩu sang EU bắt buộc phải ghi nhãn xuất xứ
Mật ong xuất khẩu sang EU bắt buộc phải ghi nhãn xuất xứ

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, cuối tháng 1/2024 vừa qua, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN