Qua đó, giúp mỗi địa phương phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án nhằm sớm đưa vào sử dụng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, vừa tạo động lực phát triển mạnh mẽ và bền vững.
“Điểm sáng” giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến cuối tháng 9/2024, tỉnh Long An giải ngân trên 6.600 tỷ đồng, đạt 65,06% kế hoạch; trong khi tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước 42,96% theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, tỉnh Long An đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố về giải ngân vốn đầu tư công và đứng thứ 5/107 chủ đầu tư cả nước.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, ngay từ đầu năm, tỉnh tập trung chỉ đạo về đầu tư công; thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc giải ngân; yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo kết quả, khó khăn vào hàng tuần để kịp thời giải quyết ngay trong tuần. Kết quả này còn nhờ hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở tích cực tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống. Tất cả cùng vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì vận động người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương đầu tư các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại tỉnh Tiền Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Tiền Giang giải ngân được trên 3.797 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 76,3% kế hoạch và đang phấn đấu trong năm 2024 giải ngân 100% vốn đầu tư công nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, định mức theo quy định khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt dự án.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hạn chế đầu tư dàn trải cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công các công trình, dự án góp phần phát huy tác dụng trong đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội vừa đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đáng kể là dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 trong năm 2024 được Trung ương phân bổ kế hoạch vốn là 872 tỷ đồng đã giải ngân đạt 100% trong 9 tháng đầu năm 2024. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh Tiền Giang có tiến độ giải ngân, đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh nhất, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang ông Trần Minh Trung cho biết, trong năm 2024, tỉnh đầu tư trên 736 tỷ đồng triển khai thực hiện 4 công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Đến cuối tháng 9/2024, Ban đã giải ngân được gần 662 tỷ đồng vốn được phân bổ trong năm cho các nhà thầu thi công các công trình, đạt gần 90% tổng nguồn vốn. Dự kiến cuối năm sẽ hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm kể trên.
Nhiều giải pháp tăng cường
Để duy trì tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% kế hoạch đến cuối năm 2024, UBND tỉnh Long An yêu cầu các chủ đầu tư phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, đảm bảo có mặt bằng thi công; theo dõi, đôn đốc đơn vị thi công tập trung tối đa nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Cùng đó, các sở, ngành của tỉnh, UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An phối hợp chặt chẽ với bộ, cơ quan trung ương có dự án đầu tư công trên địa bàn quản lý trong việc giới thiệu, chấp thuận địa điểm xây dựng; thủ tục giao đất xây dựng dự án; lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết/quy hoạch tổng mặt bằng, thỏa thuận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông,…
UBND tỉnh Long An giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh theo dõi, đánh giá tình hình, diễn biến thị trường để đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư. Sở Xây dựng thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, nhằm mục tiêu giải ngân 100% theo kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, khẩn trương tập trung các giải pháp quyết liệt. Theo đó, các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện dự án từ giai đoạn đấu thầu đến thi công và giải ngân để triển khai thi công dự án.
Trong những tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tiến hành điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có khối lượng thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Thực tế, ngay từ đầu năm, tỉnh Tiền Giang đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, đưa ra các giải pháp kịp thời khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với giải ngân nhanh vốn đầu tư công.
Đến thời điểm này, các công trình giao thông triển khai thực hiện trong năm 2024 đều đảm bảo đạt và vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2024, tuyến đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông và Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.