Đường sắt gỡ khó khi bị lỗ nặng vì dịch COVID-19

Trong 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải hành khách của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sụt giảm nghiêm trọng, đạt 400,6 tỷ đồng, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ 2020.

Dự kiến vận tải lỗ hàng trăm tỷ đồng nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài

Báo cáo của các doanh nghiệp vận tải đường sắt thành viên tới VNR, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khiến hành khách e ngại đi tàu, dự kiến năm 2021, toàn ngành sẽ lỗ hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, trên tuyến đường sắt Bắc Nam, VNR chỉ duy trì 2 đôi tàu khách Thống Nhất chủ yếu vận tải hàng hóa, còn lại cắt giảm hết các chuyến tàu khách trên tất cả các tuyến.

Riêng tháng 5, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, VNR chỉ vận chuyển hơn 132.300 lượt hành khách, bằng 48,4%, doanh thu hành khách 44,7 tỷ đồng, bằng 55,4% so với cùng kỳ.

Chú thích ảnh
Vận tải hành khách suy giảm nghiêm trọng, VNR chỉ duy trì 2 đôi tàu Thống Nhất trong bão dịch COVID-19.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, nguyên nhân chủ yếu do dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021 và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, bắt buộc nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc các tỉnh, thành phố quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các địa phương đang có dịch và người về từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly từ 14 đến 21 ngày. Trong khi phải cạnh tranh với các loại hình vận tải khách khác, người dân hạn chế đi lại, càng e ngại hơn với đường sắt. 

Qua tìm hiểu, chỉ riêng dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 bùng phát dịch đợt 4, VNR đã trả lại 11.383 vé tàu. Tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách cắt giảm là 393 đoàn, trong đó số đoàn tàu Thống nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn.

Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phải cắt giảm là 247 đoàn tàu khách, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn phải cắt giảm là 146 đoàn. Vận tải khách sụt giảm nghiêm trọng đã khiến các doanh nghiệp đường sắt lao đao, người lao động không có việc làm, khiến hàng nghìn lao động nghỉ không lương. Dự kiến của hai doanh nghiệp đầu tàu của VNR năm 2021, doanh thu vận tải sẽ lỗ khoảng 420 tỷ đồng, nếu dịch kéo dài.

Bù lỗ bằng vận tải hàng hoá

Thước thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn, cắt lỗ và ứng phó với dịch COVID-19, VNR đang chủ trương thúc đẩy vận tải hàng hóa và linh hoạt chính sách giá vé để duy trì doanh thu

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh VNR, ngược lại với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đường sắt vẫn đang duy trì ổn định các đơn hàng hợp đồng. Từ đầu năm đến nay, vận tải hàng hóa xếp đạt 2.422.000 tấn, bằng 126,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 713,5 tỷ đồng, bằng 121,8%... Kết quả này do từ các năm trước, VNR đã chủ trương chuyển đổi mạnh sang vận tải hàng hoá. Năm 2021, bên cạnh việc chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch, VNR tiếp tục duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên với Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước.

Chú thích ảnh
VNR đang đẩy mạnh vận tải hàng hóa để cắt lỗ doanh thu.

Đặc biệt, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh vận tải hàng hóa, khai thác đoàn tàu hàng chuyên tuyến, phát triển dịch vụ vận tải từ kho đến kho và dịch vụ vận chuyển hành lý từ nhà đến nhà thông qua đặt hàng online trên mạng. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng tăng cường kích cầu để vận tải hàng hóa song song với linh hoạt giá vé, khuyến mại để đón đầu khôi phục thị trường vận tải hành khách khi diễn biến dịch kiểm soát tốt hơn như: Giảm giá, giảm phí, trả vé hỗ trợ các công ty mua vé trọn toa suốt năm, dịch vụ đón đoàn khách nước ngoài, học sinh - sinh viên, phối hợp với các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch để triển khai các chính sách thu hút khách du lịch...

Cuối tháng 5/2021, VNR cũng đã được Bộ GTVT ký hợp đồng kinh tế với 20 doanh nghiệp đường sắt và chuyển số tiền bảo trì tạm ứng vốn cho các công ty này để đặt hàng bảo trì, trả lương người lao động, chi trả tiền vật tư mà các đơn vị này đã phải tự ứng đưa vào công trình từ đầu năm đến nay. Qua đó, tháo gỡ khó khăn về đời sống, việc làm cho người lao động đường sắt.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Đường sắt Bắc - Nam dỡ phong tỏa sau khi di dời quả bom
Đường sắt Bắc - Nam dỡ phong tỏa sau khi di dời quả bom

Sáng 5/6, thông tin với phóng viên TTXVN, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình đã thông trở lại vào lúc 2h18 sáng 5/6 sau khi lực lượng quân đội di dời thành công quả bom nằm sát công trình đường sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN