Được mùa vụ lúa hè thu: Nông dân mừng, doanh nghiệp lo

Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào những ngày cao điểm thu hoạch lúa hè thu. Chưa bao giờ người nông dân lại vui như vụ này bởi không phải lo điệp khúc “được mùa, mất giá”. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua trong nước lại đang đối mặt với khó khăn không đủ nguyên liệu phục vụ xuất khẩu bởi sự cạnh tranh thu mua từ thương lái nước ngoài.

Được mùa, “vượng” giá

Vụ hè thu năm nay, nông dân các tỉnh ĐBSCL “trúng” cả mùa lẫn giá. Xuất khẩu tăng giúp giá thu mua lúa gạo trong dân tăng cao, đồng thời tạo đà để Việt Nam vươn lên vị trí đầu bảng về xuất khẩu gạo.

Mới sáng sớm tinh mơ nhưng anh Hùng ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã ra đồng thăm lúa. Nhìn cánh đồng trĩu một màu vàng bát ngát, anh vui như Tết. “Chưa bao giờ nhà nông tụi tui lại được thương lái săn sóc, chiều chuộng như vậy!. Hiện giá lúa tươi được thương lái vào tại ruộng đặt cọc mua tăng lên 100-150 đồng/kg so với cách đây 10 ngày. Chẳng hạn, giá lúa IR 5044 đã tăng lên 5.600 - 5.800 đồng/kg, lúa hạt dài 5.800 - 5.900 đồng/kg, giống lúa chất lượng cao OM 2514 giá mua từ 6.100 - 6.300 đồng/kg… Gia đình tui canh tác được 1 ha lúa, cho năng suất khoảng 6,5 tấn. Với giá bán như trên, sau khi trừ đi các khoản chi, tui bỏ túi hơn 20 triệu đồng”.

Nông dân huyện Thoại Sơn, An Giang, thu hoạch lúa hè thu. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Vụ hè thu năm nay, nông dân trong tỉnh đã trúng lớn với năng suất thu hoạch đạt bình quân hơn 5,6 tấn/ha và giá lúa thu mua trên thị trường cũng đang có lợi cho nhà nông. Hiện tỉnh đã thu hoạch được hơn 80.054 ha, đạt gần 35% diện tích xuống giống, năng suất bình quân đạt khá cao. Theo phân tích của Sở, giá lúa tăng là do có thông tin Inđônêxia ký mua gạo của Việt Nam với số lượng lớn. Bên cạnh đó, việc các tư thương Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp nhỏ về các địa phương để thu gom lúa gạo cũng làm cho giá lúa liên tục tăng cao.

Tại tỉnh Sóc Trăng, gần 140.000 ha lúa của bà con cũng đang bắt đầu thu hoạch rộ. Công ty Lương thực tỉnh đang thu mua mạnh với mức giá tăng lên từng ngày. “Sau ít ngày giá lúa gạo lắng xuống do có thông tin Hiệp hội lương thực VN (VFA) lùi thời điểm mua tạm trữ lúa, thì trong vòng gần 1 tuần nay giá lúa trên địa bàn đang tăng mạnh. Nếu như đầu tuần trước giá đứng ở mức 6.200 đồng/kg với lúa khô thường, thì vào cuối tuần đã tăng lên 6.300 - 6.400 đồng/kg và đến ngày 30/7, công ty thu mua vào ở mức 6.500 đồng/kg với loại lúa thường và 6.700 đồng/kg với loại lúa thơm, chất lượng cao” - ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng cho biết.

Số liệu của VFA cho biết: Xuất khẩu gạo trong tháng 7 đã tăng thêm 700.000 tấn, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 4,7 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và 10,8% về giá trị. Theo dự báo của ngành, với các số liệu khả quan trên, khối lượng gạo xuất khẩu của cả năm 2011 sẽ ước đạt khoảng 7,2 - 7,4 triệu tấn và mang lại kim ngạch ở mức 3,5 tỷ USD. Bên cạnh thị trường Inđônêxia đang tăng trưởng mạnh và là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm tới nay, các thị trường khác như Malaixia, Cuba… cũng tăng lần lượt là 99% và 138% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bù vào sự sụt giảm của thị trường truyền thống Philíppin, các doanh nghiệp đang tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới như Sênêgan, Bờ Biển Ngà… Các doanh nghiệp trong nước đang tăng cường công tác đàm phán trong quyết tâm giành được những hợp đồng cung cấp gạo cho Đông Timor. Riêng Trung Quốc đã vươn lên vị trí một trong mười khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2011. Chỉ trong 6 tháng qua, khách hàng Trung Quốc đã mua gần 220.000 tấn, góp phần đẩy thị trường lúa gạo thêm nhộn nhịp.

Thu hoạch lúa ở tỉnh Sóc Trăng.


Riêng tại tỉnh An Giang, theo Sở Công Thương tỉnh, trong tháng 7/2011, các đơn vị trong tỉnh đã xuất khẩu được 58.200 tấn gạo, đạt kim ngạch 25,7 triệu USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 11% về giá trị so với tháng trước. Theo lũy tiến trong 7 tháng qua, tỉnh đã xuất khẩu đạt 394.000 tấn, kim ngạch đạt 185 triệu USD, tăng 72% về lượng và tăng 88% về trị giá so cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân trong 7 tháng là 468 USD/tấn (cao hơn 40 USD/tấn so với cùng kỳ). Theo đánh giá của Sở, nhu cầu thị trường thế giới đang tăng cao, trong khi nguồn cung của các nước lân cận giảm nên giá xuất khẩu tăng, khiến giá gạo của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mùa vụ bội thu sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong nỗ lực soán ngôi Thái Lan, vươn lên vị trí đầu bảng những nước có số lượng gạo xuất khẩu lớn nhất.


Ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng: Giá lúa gạo thời gian tới khó giảm sâu
Vào đầu tháng 6, do nhận định giá lúa gạo trong nước sẽ giảm, nên VFA đã có kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ hè thu để đảm bảo cho nông dân có lãi tối thiểu 30%. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6, giá gạo Thái Lan bất ngờ tăng vọt từ 460 USD/tấn (5% tấm) lên 530 USD/tấn, kéo theo giá gạo cùng loại của Việt Nam được giao dịch trên thị trường cũng tăng lên 495 USD/tấn. Cũng trong thời điểm này, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu sang gom hàng, khiến giá lúa gạo trong nước tăng đột biến trở lại, với mức tăng lên đến 500 đồng/kg. Trước tình hình trên, VFA nhận thấy chưa cần thiết phải mua tạm trữ (vì giá lúa thị trường đã cao hơn giá mua tạm trữ-PV) nên cho lùi thời điểm thu mua tạm trữ lại sau ngày 15/7.
Trong tháng 7 và 8, dự kiến cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn và cả quý III/2011 sẽ vào khoảng 2,1 triệu tấn. Cùng lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tiếp tục gia tăng, nên giá lúa gạo các tháng cuối năm sẽ khó có khả năng giảm sâu, hiệu quả sản xuất vụ lúa hè thu của nông dân vẫn sẽ được đảm bảo. Một dự báo khác khả quan hơn về giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng là việc Chính phủ mới đắc cử của Thái Lan có thể sẽ thu mua lúa gạo trong nước với mức giá cao như đã cam kết khi vận động tranh cử.

Nông dân sản xuất giỏi Sơn Nưl ở phường 5, TP Sóc Trăng: Mong ổn định giá lúa thu mua như hiện nay để nhà nông có lãi
Giá lúa thu mua đang có lợi cho nhà nông, nhưng điều chúng tôi mong mỏi nhất là mức giá này được duy trì lâu dài. Hiện tình trạng lúa ứ đọng trong dân đã không còn và có thể nói vụ hè thu năm nay bà con làm lúa được mùa, trúng giá. So với nuôi trồng thủy sản hay các ngành nghề khác, dù lợi nhuận trong chuyên canh lúa vẫn chưa cao lắm nhưng so với những năm trước đây, đây là lần đầu tiên chúng tôi có lợi nhuận cao nhất.

Ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Cần có sự liên kết trong xuất khẩu gạo
Giá thu mua lúa đang tăng, có lợi cho bà con là điều mừng, nhưng chúng ta phải nhìn xa hơn để chuyển sang cho được thâm canh lúa theo hướng hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu; chuyển mạnh từ hướng phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ phát triển chú trọng nhiều đến sản lượng nay chuyển mạnh theo hướng phát triển lúa gạo chất lượng cao, đạt giá trị lớn; giảm mạnh thất thoát sau thu hoạch để tăng hiệu quả cho người trồng lúa… Thực tế trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm mà thiếu tính liên kết, hỗ trợ chặt chẽ cũng như công tác quy hoạch, định hướng mang tính bền vững, lâu dài. Chỉ khi nào khắc phục các yếu kém trên, mới mong nền nông nghiệp của chúng ta nói chung và xuất khẩu lúa gạo nói riêng phát triển bền vững.


Trung - Hiếu - Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN