Dự thảo Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhiều quy định chưa thực tế

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 21/9, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, quá trình thực thi của Nghị định 82 cho thấy vẫn còn nhiều bất cập cần được sửa đổi.

Chú thích ảnh
Tọa đàm lấy ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế diễn ra theo hình thức trực tuyến. 

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập. Đó là quy hoạch khu công nghiệp chưa đảm bảo tiếp cận cảnh quan, hệ sinh thái, hạ tầng xã hội đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hài hòa và bền vững.

Cùng với đó, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; tình trạng dự án chậm triển khai, xin giao đất, cho thuê đất vượt quá nhu cầu còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. 

Đặc biệt, một số khu công nghiệp triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất sử dụng cho dự án chưa được khai thác; việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý và tiết kiệm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số nơi còn khó khăn, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất khu công nghiệp…

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ bối cảnh quốc tế và trong nước đã có những sự tác động không nhỏ đến việc định hướng phát triển khu công nghiệp. Việc tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Do đó, cần phải xây dựng được các chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp một cách hiệu quả nhưng vẫn không trái với các cam kết với WTO và FTA. Phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường.

Còn theo ông Phạm Hồng Điệp, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), quy định của Nghị định 82 về điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp mới là tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh/thành phố phải lấp đầy tối thiểu 60% còn bất cập. 

Theo ông Điệp, việc áp dụng tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% trung bình đối với các KCN vô tình tạo rào cản đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng hiệu quả khi triển khai các dự án KCN mới trên địa bàn vì bị phụ thuộc vào năng lực thu hút đầu tư của các KCN không hiệu quả. Thực tế cho thấy, hầu hết các đơn vị có năng lực tốt mới tự tin nghiên cứu và triển khai nhiều các dự án KCN cùng một lúc.

Ngoài ra, ông Điệp kiến nghị, đối với một số mô hình KCN đang là xu hướng phát triển và được Nhà nước khuyến khích như khu công nghiệp sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên sâu cũng sẽ không phải áp dụng quy định về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% này để tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đề xuất thêm, cần tháo gỡ, giảm tải thủ tục hành chính trong triển khai thủ tục pháp lý cho việc hình thành 1 KCN. Hiện để nhà đầu tư được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải mất thời gian lên tới 18 – 24 tháng, thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc đầu tư cũng như làm lỡ mất cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án.

Góp ý về Nghị định 82/2018/NĐ-CP sửa đổi, ông Đỗ Quốc Dũng, Trưởng Ban phát triển dự án Công ty CP Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam cho rằng, dự thảo Nghị định cần đưa ra tiêu chí cụ thể về điều kiện và loại hình trong KCN để xác định đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thời gian thực hiện, từ khi lập quy hoạch hay giai đoạn nào ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và bán hàng của chủ đầu tư.

Năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114 nghìn ha. Hiện tại có 331 khu (4 khu chế xuất, 327 khu công nghiệp) đã đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập; tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu đã đi vào hoạt động khoảng 75%.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước thu hút được khoảng 820 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD; thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.
Thu Trang/Báo Tin tức
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp duy trì ưu thế
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp duy trì ưu thế

Kỳ vọng chiến dịch tiêm chủng vaccine sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi nền kinh tế cùng với kết quả kinh doanh khả quan từ đầu năm, giới phân tích nhận định, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, duy trì ưu thế trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN