Kết quả, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã xóa tên, thu hồi 40 dự án FDI chậm triển khai, vắng chủ, giải thể trước thời hạn với số vốn hơn 300 triệu USD.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện Đồng Nai thu hút nhà đầu tư đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1.300 dự án còn hiệu lực, số vốn hơn 25,8 tỷ USD. Đa số nhà đầu tư đến Đồng Nai đều quyết tâm mở doanh nghiệp, sau khi được cấp phép, họ giải ngân đúng thời hạn (1 năm), sớm đưa nhà máy vào hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư đăng ký sản xuất kinh doanh nhưng chậm triển khai thực hiện. Một số chủ doanh nghiệp do kinh doanh thua lỗ nên bỏ trốn khỏi địa phương, đề lại những dự án vắng chủ.
Trước tình hình này, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã tăng cường rà soát, xóa tên các dự án vắng chủ, với những dự án quá 12 tháng nhưng nhà đầu tư không giải ngân tỉnh sẽ thu hồi.
Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số dự án quá 12 tháng nhưng nhà đầu tư đã xin gia hạn, tỉnh chấp thuận vì nhận thấy chủ dự án vẫn có quyết tâm thực hiện. Quan điểm của Đồng Nai là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI vào tỉnh sản xuất kinh doanh, nhưng tỉnh kiên quyết loại bỏ nhà đầu tư thiếu năng lực.
Công ty TNHH Kobelco - Eco Solution (Nhật Bản) đang xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, giảm dự án chậm triển khai, Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp tục đẩy mạnh rà soát, ngay sau khi cấp phép, định kỳ mỗi quý, Ban sẽ làm việc với chủ dự án, đốc thúc họ thực hiện.
Theo ông Nhơn, chiến lược thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai là ưu tiên ngành nghề công nghệ cao, sử dụng ít lao động, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp ở các huyện, thị xã trung tâm.
Năm 2016, tỉnh Đồng Nai cấp mới cho 100 dự án FDI; trong đó, có gần 60 dự án công nghiệp cơ khí, điện tử và công nghiệp dệt may, công nghệ cao; 58/100 dự án (chiếm hơn 40% số vốn) đầu tư vào các khu công nghiệp đóng ở huyện miền núi, xa trung tâm như: Khu công nghiệp Dầu Giây, Suối Tre, Long Khánh, Nhơn Trạch 3.
Trước đây, Khu công nghiệp Long Khánh chỉ có vài doanh nghiệp dệt may, giày da hoạt động, đến nay sắp lấp đầy. Tỉnh Đồng Nai đã xin Chính phủ mở rộng Khu công nghiệp Long Khánh thêm 200 ha (hiện là 180 ha).
Hiện Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm tỉnh thu hút khoảng 2 tỷ USD vốn đầu tư FDI.