Đồng bằng sông Cửu Long tất bật mùa trái cây Tết

Cung cấp hơn 70% lượng trái cây tiêu thụ cả nước, những ngày này người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bận rộn bắt tay vào mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm để cung cấp trái cây cho thị trường Tết Nguyên đán đã cận kề.

 

Đa dạng chủng loại


Các nhà vườn tại tỉnh Hậu Giang cho biết, đón bắt nhu cầu của thị trường ưa chuộng loại trái cây có hình dáng đẹp để trưng bày trong 3 ngày Tết, năm nay các nhà vườn sẽ tung ra thị trường nhiều loại trái cây ấn tượng với người tiêu dùng. Theo đó, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã lên kế hoạch sản xuất khoảng 10.000 trái bưởi hồ lô có khắc chữ nổi “tài lộc”, hơn 2.000 trái dưa hoàng kim hồ lô... cung ứng cho thị trường cả nước trong dịp Tết. “Bưởi hồ lô trên địa bàn huyện vài năm gần đây dù giá không rẻ, nhưng được đông đảo khách hàng chọn mua để chưng vào dịp Tết. Hiện, khách hàng từ TP Hồ Chí Minh cho đến miền Bắc đã tìm đến thương lượng giá cả ký hợp đồng thu mua”, ông Võ Trung Thành ở xã Phú Tân thông tin.


 

Kinh tế khó khăn, sức mua kém..., nhà vườn các tỉnh ĐBSCL đang lo lắng giá trái cây thị trường Tết sẽ không cao.

 

Tại tỉnh Đồng Tháp, vốn nổi tiếng với thương hiệu quýt hồng Lai Vung, cũng đang “chộn rộn” vào mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm. Theo “bật mí” của các chủ nhà vườn tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung, năm nay các nhà vườn sẽ tung ra thị trường loại quýt hồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Loại quýt này không chỉ đạt tiêu chuẩn về hình thức mà còn có chất lượng vượt trội so với trước đây và đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về an toàn vệ sinh. Dù sản lượng cung ứng cho thị trường không lớn nhưng đặc sản quýt hồng Lai Vung sẽ vẫn có tiềm năng phát triển sản xuất và tiêu thụ rất lớn khi thị trường ngày càng có những đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng.


Được xem là thủ phủ trái cây của khu vực ĐBSCL, Tiền Giang có gần 68.000 ha cây ăn quả, chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn quả cả nước và cho sản lượng gần 900 nghìn tấn quả/năm, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng. Những ngày này, các nhà vườn tại đây đang bước vào giai đoạn chạy “nước rút” để cung cấp cho thị trường những loại trái cây chất lượng cao và hình thức đẹp trong dịp Tết đến xuân về. Bác nông dân Nguyễn Văn Sơn ở cù lao Thới Sơn, thuộc huyện Châu Thành cho biết: “Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, vườn cây ăn trái phát triển tốt nên dự kiến sản lượng trái cây của gia đình tôi có thể đạt gần 1 tấn bưởi, hơn 1,5 tấn trái cây tạp. Điều tôi đang lo là phải canh làm sao bán đúng dịp Tết mới mong có giá bán cao”.

 

Giá sẽ mềm hơn


Chịu tình cảnh ảm đạm chung như những mặt hàng tiêu dùng khác, theo thương lái thu mua trái cây tại các tỉnh ĐBSCL, trái cây Tết năm nay sẽ khó sốt giá như mọi năm. Hiện nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chủ động xử lý cho cây ra hoa nên thu hoạch trái vụ ngày càng phổ biến và sản lượng mỗi năm mỗi tăng. Vì vậy, lượng trái cây Tết sẽ dồi dào, trong khi sức mua của thị trường khó tăng cao như mọi năm nên giá cả sẽ vẫn ổn định. Tại huyện Châu Thành (Hậu Giang), dù số lượng dưa hấu hồ lô sản xuất giảm nhưng hiện các thương lái chỉ thu mua với giá từ 500.000 - 1.400.000 đồng/quả, thấp hơn năm 2011 gần 10%. Riêng bưởi năm roi loại 1, mẫu mã đẹp tại tỉnh Tiền Giang có giá 15.000 đồng/kg, bưởi loại 2 có giá 9.000 đồng/kg, thấp hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Theo chị Thu, chủ quầy chuyên buôn trái cây cao cấp phục vụ dịp lễ Tết cho hay, dịp Tết này giá loại trái cây “độc” và lạ không tăng cao như mọi năm mà sẽ giảm nhẹ khoảng 5 - 10%. Cụ thể, loại dưa hấu thỏi vàng, trọng lượng khoảng 2,5 kg/trái, giá thu mua dao động từ 3 - 4 triệu đồng/trái, bưởi hồ lô loại thường giá 500.000 đồng/cặp, bưởi hồ lô Tài Lộc giá 1 triệu đồng/cặp... “Các loại trên chỉ phục vụ cho các gia đình khá giả hoặc doanh nghiệp. Nhưng với tình hình thị trường trầm lắng như năm nay, giá cả trái cây cho thị trường Tết vẫn sẽ còn nhiều bất ngờ”, chị Thu nhận định.

 

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN