Theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau, nhưng năm nay đơn hàng dè dặt hơn và giảm so với năm 2018.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nguyên nhân là do doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh với các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... và nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may. Đáng chú ý, có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và chuyển dịch sang nước khác.
Cùng với đó, đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như: Bangladesh, Campuchia... Giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp, trong khi đó việc sử dụng bông tại các quốc gia đang chậm lại; cả thương nhân và khách hàng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho.
Thị trường sợi cũng gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan... ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh này, Vitas khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong tháng cuối cùng của năm 2019, tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất; chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA; đồng thời phải tuân thủ yêu cầu về nhãn hàng hướng tới sự phát triển bền vững và thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.
Từ đầu năm đến nay, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 577,3 triệu m2, tăng 11,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 1.089,3 triệu m2, tăng 7,6%; quần áo ước đạt 4.673 triệu cái, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.