Đôn đốc doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi bảng lương

Việc chuyển đổi bảng lương tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước diễn ra chậm, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Triển khai chậm

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu BHXH Việt Nam, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa chuyển đổi bảng lương từ Nghị định 205/2004 sang bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, để phù hợp với quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động. Trên thực tế, Nghị định 49/2013 có hiệu lực từ năm 2013, nhưng trước khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép giãn lộ trình đến hết năm 2015. Như vậy đã có hơn 2 năm để các doanh nghiệp triển khai xây dựng thang bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP. Việc một số doanh nghiệp chậm chuyển đổi đang gây khó khăn cho tính BHXH cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp có phần vốn nhà nước chậm chuyển đổi bảng lương theo quy định mới.

Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), hiện có khoảng 7.200 doanh nghiệp có vốn nhà nước (gồm công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp cổ phần nhà nước) phải chuyển đổi bảng lương. Từ năm 2016, doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, thỏa thuận với người lao động và thỏa ước tập thể theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Trong đó phải phân định các khoản vào cơ cấu tiền lương và tự hạch toán vào giá thành thỏa thuận. Các khoản lương, phụ cấp lương, bổ sung khác cũng phải thống nhất với người lao động và phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương để thống nhất quản lý. Cơ quan BHXH đóng vai trò cơ quan thực hiện, căn cứ vào thang bảng lương và đăng ký với cơ quan nhà nước để thu BHXH.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Vấn đề xây dựng hệ thống thang bảng lương là vấn đề nghiệp vụ đòi hỏi phải có thời gian. Qua kiểm tra tại các doanh nghiệp nhà nước cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty đã sớm chuyển đổi thang bảng lương, nhưng các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại địa phương triển khai chậm. Do đó, từ ngày 1/1/2016 phải tạm thời thu trên nền BHXH cũ và trong quý I/2016 doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống thang bảng lương”.

Mỗi nơi một kiểu

Hiện nay việc áp dụng tính lương mỗi nơi một kiểu. Anh Nguyễn Đông đang làm tại Công ty cổ phần Xây dựng tại Hà Nội cho biết: “Hơn năm nay lương của tôi được tính với hệ số 2,34, nhân với mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng”. Trong khi đó, chị Bùi Lan Anh, cán bộ của một công ty cổ phần tại thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đang hưởng mức lương hệ số 4,2 theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, công ty đang lấy mức lương 1,9 triệu đồng nhân với hệ số 4,2.

Chia sẻ về tình trạng áp dụng bảng lương tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, luật sư Nguyễn Minh Anh cho biết: “Theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, việc xây dựng thang bảng lương lấy mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định từng thời kỳ để làm mức sàn trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp cần phải xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương mới để chuyển xếp lương đối với người lao động từ thang lương, bảng lương do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP sang thang lương, bảng lương do công ty ban hành. Do đó, với trường hợp anh Nguyễn Đông, mức lương doanh nghiệp đang trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng Hà Nội (vùng 1) là 3,5 triệu đồng. Trong khi với trường hợp bà Bùi Lan Anh lấy mức lương 1,9 triệu nhân với hệ số cũng không theo căn cứ nào”.

Điều này cho thấy mỗi doanh nghiệp đang áp một kiểu. Thực tế cho thấy, mỗi doanh nghiệp đang căn cứ trên tình hình kinh doanh để xây dựng quỹ lương. Cách tính nhiều đơn vị vận dụng theo Nghị định 205/2004, tuy nhiên khi áp lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp chuyển theo Nghị định 49/2013. “Ngay cả khi áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định 205/2004 thì bảo đảm nguyên tắc mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, hiện nay, để đồng bộ hóa hệ thống luật như Luật Lao động, Luật BHXH, hệ thống bảng lương phải chuyển đổi theo Nghị định 49/2013”, Luật sư Nguyễn Minh Anh cho biết.

Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐTBXH) Hà Nội, qua việc rà soát việc lương thưởng Tết của doanh nghiệp tại Hà Nội cho thấy việc chuyển đổi bảng lương tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước (doanh nghiệp TNHH một thành viên, doanh nghiệp có vốn cổ phần Nhà nước) đang gặp nhiều khó khăn bởi liên quan đến việc đóng BHXH, trình độ tay nghề, điều kiện làm việc… Tuy nhiên, Sở LĐTBXH yêu cầu các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải sớm chuyển đổi bảng lương, đảm bảo quyền lợi lao động.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Việc chưa chuyển đổi bảng lương theo Nghị định 49/2013 để làm cơ sở cho thu BHXH từ ngày 1/1/2016 đang ảnh hưởng tới gần 1,2 triệu lao động của doanh nghiệp có phần vốn nhà nước là chậm. Do đó, Bộ LĐTBXH và các địa phương cần đôn đốc các doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi trong quý I/2016”.
Xuân Minh
Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết 1 tháng lương
Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết 1 tháng lương

Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nhưng nhiều doanh nghiệp đã thông báo mức thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, mức thưởng Tết của đa số các DN sẽ bằng một tháng lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN