Đối ngoại giao thương tạo xúc tác phục hồi kinh tế

Ngoại giao kinh tế đóng vai trò là công cụ hữu hiệu đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, xác lập vị thế đất nước lên tầm cao mới trong nền kinh tế thế giới và cộng đồng quốc tế.

Tăng cường giao thương quốc tế

Lãnh đạo Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đơn vị được chỉ định thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc trong điều kiện thích ứng an toàn nhận định, việc mở cửa thí điểm hàng không đón du khách quốc tế thời điểm này là cơ hội để khởi động mùa du lịch, lễ hội Tết Nhâm Dần 2022, khi Việt Nam kiểm soát dịch bệnh. Doanh nghiệp đã sẵn sàng đón các đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sản phẩm phù hợp cho từng thị trường khách từ nhiều tháng.

Còn theo Công ty du lịch Asian Dreams Touristik (Đức), doanh nghiệp nhận được nhiều yêu cầu đến Việt Nam và đặt mục tiêu năm 2022 đón khoảng 5.000 du khách Đức đến Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều du khách đang e ngại trước quy định cách ly y tế, mặc dù đã có “hộ chiếu vaccine”. Doanh nghiệp mong muốn ngành Du lịch Việt Nam sẽ sớm mở cửa để đón du khách, thay vì các thị trường Đông Nam. Việt Nam cần nỗ lực nối lại các chuyến bay quốc tế để thúc đẩy du lịch, tạo đà mở cửa thu hút vốn đầu tư. Tín hiệu tích cực là Việt Nam đang nhanh chóng chấp nhận “hộ chiếu vaccine” quốc tế…

Chú thích ảnh
Cuộc làm việc giữa đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam và đại diện Sở Công thương và Đầu tư KwaZulu-Natal (TIKZN). Ảnh: Phi Hùng/TTXVN.

Để “mở cửa bầu trời”, tăng cường giao thương quốc tế, các hãng hàng không nội địa đã và đang xây dựng các kịch bản khác nhau để phát triển mạng bay, đội bay phù hợp, tăng cường hợp tác quốc tế để mở các đường bay thẳng điểm đến, nhằm không chỉ đón các nhà đầu tư nước ngoài, kiều bào, mà còn phục vụ người dân. Qua đó nhanh chóng phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu COVID-19. Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã hoàn thành bộ tiêu chí an toàn với hành khách, chuyến bay, nhân lực hàng không và từng cảng hàng không theo hướng các yêu cầu về sức khỏe, y tế, xét nghiệm của hành khách trong ngoài nước sẽ được nhận diện qua công nghệ, để giảm thiểu thời gian và tiếp xúc cho hành khách trong suốt quá trình di chuyển.

Ở góc độ thu hút vốn đầu tư, theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 23 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, dù khó khăn trong những tháng bị dịch COVID-29 tấn công, khiến sản xuất kinh doanh ngưng trệ, nhưng khối doanh nghiệp FDI vẫn phát huy năng suất lớn. 

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do, với khoảng 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong đó, việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết thành công 2 Hiệp định FTA thế hệ mới là CPTPP (có hiệu lực từ ngày 14/1/2019) và EVFTA (có hiệu lực ngày 1/8/2020) đã mang lại tiếng vang lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thể hiện nỗ lực quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc cải cách, nâng tầm kinh tế đất nước để hội nhập, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Ngoại giao kinh tế thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã khẳng định về các thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại. Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ ngoại giao kinh tế đã góp phần giúp hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta có nhiều đột phá, qua đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Chúng ta đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Tại Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 20 diễn ra ngày 13/12 với chủ đề: "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương", Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 (tháng 8/2018) đến nay, công tác đối ngoại địa phương đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại cả nước, thiết thực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, nhưng với cách tiếp cận đồng bộ, thích ứng linh hoạt và đột phá, đối ngoại địa phương đã khắc phục được khó khăn, từng bước triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đạt được các kết quả khá toàn diện.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc tại Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2021, các địa phương đã ký hơn 200 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài là các địa phương, tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương. Nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá địa phương được tổ chức với nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung như: Diễn đàn “Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2021: Kết nối địa phương, doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội mới”; Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021; Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021…

Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 được tổ chức sau Đại hội Đảng lần thứ XIII để triển khai các định hướng mới cho công tác đối ngoại, trong đó địa phương và doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm. Hội nghị là dịp quan trọng để các địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác quốc tế cùng đánh giá về những kết quả đã đạt được trong đối ngoại địa phương và đưa ra các biện pháp để tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả triển khai công tác này trong thời gian tới. Nội dung của hội nghị tập trung vào mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư, tranh thủ nguồn ngoại lực để vượt qua các khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 hướng tới phục hồi toàn diện, phát triển… Đáng chú ý là sự kiện Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt Nam, nhằm quảng bá các sản phẩm nội địa đến các đại biểu trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm đầu ra của sản phẩm.

 Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ, cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Chính vì vậy, trong thời gian tới, hoạt động ngoại giao kinh tế cần tiếp tục được đẩy mạnh. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, công tác ngoại giao kinh tế phải đảm bảo phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh
Ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh

Ngày 10/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN