Bốn năm qua, năm nào gia đình ông Thống cũng cung cấp ra thị trường trên 1.000 cây con, với giá từ 100.000 – 500.000 đồng đối với cây con; từ 500.000 – 2.000.000 đồng đối với cây trưởng thành và từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với cây bắt đầu cho trái.
Ông Thống cho hay, hiện ông đang sở hữu gần 6.000 cây nho. Trong số đó, có 600 cây đã cho trái và hơn 5.000 cây trưởng thành chưa ra trái.
Theo ông Thống, năm 2012, ông được người thân ở Mexico gửi về 200 hạt nho thân gỗ. Sau đó, ông đem ươm lên và nhận thấy tỉ lệ hạt nảy mầm khá cao, phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Trong quá trình trồng, ông phát hiện có một vài cây khác với số còn lại nên chọn ra để chăm sóc riêng.
Sau 2 đến 3 năm trồng và chăm sóc cẩn thận, những cây nho này bắt đầu cho trái, ông Thống phát hiện những cây giống mình chọn lọc để trồng khác hẳn với cây nho thân gỗ ở vùng đất Nam Mỹ. Cụ thể là cây có lá tròn, to, có sức sống mạnh và đặc biệt thích hợp với khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quan sát, cây nho thân gỗ có thân giống cây ổi, hoa có màu trắng, mọc cả trên thân cây và cây càng lâu năm thì trái càng sai. Trái nho có hình dáng giống trái sung, có mùi vị đặc trưng, hương như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt trong một trái.
Hái thử một trái gần chín đưa lên cắn thử thì thấy vỏ rất giòn, có vị chát nhẹ còn phần thịt có vị chua. Theo ông Thống, khi trái chín hẳn thì thịt trái sẽ ngọt. Mỗi trái có khoảng 2 hạt, mới nhai nát thì có vị đắng nhưng sau đó hậu ngọt.
"Mùa này trái ít nhưng khi bước vào mùa xuân, trái ken đặc từ gốc tới ngọn. Do tôi đã áp dụng biện pháp phân ly, cây nho đã không còn là cây nho của Nam Mỹ nên tôi chưa biết gọi tên như thế nào và tạm gọi là cây nho siêu trái", ông Thống khoe.
Ông Thống cũng cho hay, do nhiều người hỏi mua cây giống đem về trồng nên ông quyết định ươm cây con để cung cấp cho bà con. “Một đơn vị chuyên cung cấp cây giống hay tin cũng tìm đến, đề nghị tôi chia lại một cây lớn nhất để đem về nhân giống”, thầy giáo tiết lộ.
Hiện cây giống của ông đã bán ra rất nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Đối với trái chín, ông Thống bán cho du khách đến tham quan vườn với giá 600.000 đồng mỗi ký và làm nước uống. Hiện, thầy giáo này cũng đang liên kết với các giảng viên ở Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ tìm cách phát triển giống nho thân gỗ do ông tạo ra.
Theo anh Lâm Hoàng Trường An, cán bộ phụ trách du lịch của Phòng Văn hóa Thông tin quận Thốt Nốt, trong quá trình khảo sát tìm các hộ dân phù hợp để phát triển du lịch trên địa bàn, anh tình cờ biết ông Huỳnh Công Thống trên cù lao Tân Lộc đang trồng giống nho thân gỗ.
Anh An sau đó tìm đến vườn nho của ông Thống, vận động vị thầy giáo tham gia làm du lịch, vừa phục vụ du khách tham quan vườn, kết hợp bán cây giống. Gần 2 tháng nay, gia đình ông Thống đã cải tạo lại vườn cây, làm lối đi cùng các công trình phụ trợ khác để đón khách du lịch. Nhờ đó, lượng cây giống được tiêu thụ cũng tăng hơn trước. Một số hộ dân trên địa bàn cũng mua nho thân gỗ về trồng với số lượng lớn.
Cũng theo anh An, hiện trên địa bàn quận Thốt Nốt có 12 điểm làm du lịch sinh thái, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của quận; trong đó, trên cù lao Tân Lộc ngoài vườn nho thân gỗ của thầy giáo Huỳnh Công Thống thì còn có làng bè, vườn dừa, vườn mận, chôm chôm... đang là những điểm khá thu hút du khách khi đến với Thốt Nốt.