Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu có điều kiện phát triển, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất và đào tạo lao động. Nhưng trên thực tế, có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV đang gặp nhiều rào cản.
Rào cản và nhiễu
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản xuất khẩu Vifoco, tỉnh Bắc Giang (doanh nghiệp chế biến mặt hàng ngô, dưa chuột bao tử xuất khẩu) cho biết, dù Ngân hàng Đầu tư Phát triển trên địa bàn có chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất 12%/năm nhưng các doanh nghiệp đều không thể vay bởi rào cản thủ tục.
Chính sách hỗ trợ vốn cho các DNNVV đang gặp khá nhiều rào cản. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
|
Theo ông Việt, mỗi hợp đồng xuất khẩu của Vifoco chỉ vay được khoảng 3 – 5 tỉ đồng. Nhưng để vay được vốn với mức lãi suất 12%/năm từ Ngân hàng BIDV thì trong hồ sơ vay vốn phải có kết quả kiểm toán. Thuê kiểm toán thì chi phí mất khoảng 50 triệu đồng. Như vậy, với khoản vay 5 tỉ đồng, lãi suất 12%/năm, rẻ hơn lãi suất thương mại khoảng 6%/năm, tính ra doanh nghiệp giảm được chi phí lãi vay khoảng 50 triệu đồng. Nhưng lại phải bù vào chi phí kiểm toán, thành ra là... “hòa”.
Giám đốc của doanh nghiệp chế biến hàng nông sản xuất khẩu đóng tại tỉnh Ninh Bình (xin giấu tên) nêu 2 chuyện bị “nhiễu”: Chuyện thứ nhất, doanh nghiệp vừa phải từ chối khoản hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho doanh nghiệp trị giá 60 triệu đồng. Lý do, để nhận được gói hỗ trợ này, doanh nghiệp phải “lại quả” 50% cho cán bộ cấp phát kinh phí. “Năm 2010, doanh nghiệp của tôi đã làm hồ sơ nhận gói hỗ trợ này 30 triệu đồng, nhưng phải “lại quả” 15 triệu đồng cho cán bộ. Năm vừa rồi, cán bộ lại đề nghị hỗ trợ tiếp và nâng gói hỗ trợ lên 60 triệu đồng nhưng tôi từ chối”, vị giám đốc nói.
Chuyện thứ hai, xe hàng của doanh nghiệp chuẩn bị xuất thì bị lực lượng quản lý thị trường bất ngờ vào kiểm tra với nội dung: tem nhãn sản phẩm có đảm bảo “thuần phong mỹ tục” và vi phạm sở hữu trí tuệ hay không. Doanh nghiệp lý giải tem nhãn là do chủ hàng in từ Nga gửi sang, họ đăng ký bản quyền bên nước họ. Về hình thức tem, nhãn, quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy tem nhãn sản phẩm chế biến ngô, dưa chuột bao tử là lành mạnh. Thế nhưng, cơ quan chức năng nhất quyết dừng xe hàng, để chờ mang tem nhãn về giám định. Thời gian giám định là... 20 ngày. Chờ 20 ngày cũng có nghĩa lô hàng hỏng, hợp đồng bị phá sản. Cực chẳng đã doanh nghiệp phải xử lý trên “tinh thần hiểu biết” mới xong việc.
Tạo điều kiện tốt, DNNVV sẽ phát triển mạnh
Giám đốc các doanh nghiệp chế biến mặt hàng nông sản nêu trên khẳng định, nếu được vay vốn với lãi suất khoảng 12 – 14%/năm, doanh nghiệp làm mặt hàng này có thể đạt mức tăng trưởng cả sản lượng và doanh thu đều đều khoảng 40%/năm vì nhu cầu về mặt hàng này của thị trường Nga rất lớn. Để có lãi lớn thì doanh nghiệp xuất khẩu phải dám nhận đơn hàng lớn tới hàng chục container/tháng. Nhưng muốn nhận đơn hàng lớn, doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy lớn, lực lượng lao động hàng trăm người/nhà máy, vốn lưu động để thu mua nguyên liệu... Các khoản đầu tư này lại phải trông vào vốn vay, trong khi lãi vay hiện đang ở mức 18 – 19%/năm và thủ tục vay vốn khó thì không thể phát triển được.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV, khối DNNVV luôn là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế, hàng năm đóng góp 1/3 cho ngân sách Nhà nước, giải quyết hàng triệu việc làm cho lao động giản đơn. Đó là những đóng góp vô cùng quan trọng về mặt an sinh xã hội. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ tạo điều kiện thông thoáng về cơ chế, chính sách đến tiếp cận vốn tín dụng.
Bà Nguyễn Bích Ngọc, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, khảo sát của Viện thấy rằng, có tới 48% DNNVV bị ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do.
Nhằm giải quyết các khó khăn đối với DNNVV, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH - ĐT cho biết, Bộ đã trình Chính phủ đề án quỹ phát triển DN nhỏ và vừa. Theo đề xuất, vốn ban đầu xây dựng quỹ là do Nhà nước cấp, khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng. Về lâu dài, có thể vay ưu đãi từ những nguồn vốn hỗ trợ phát triển của các nước dành cho phát triển DNNVV. Quỹ này sẽ dành cho các DN sản xuất kinh doanh hiệu quả, trong những lĩnh vực mà Nhà nước đang khuyến khích phát triển như sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chế biến nông sản, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... Dự kiến quỹ này sẽ được áp dụng trong năm 2012, DN sẽ được vay vốn từ quỹ với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 80% lãi suất thị trường.
Xuân Hương