Theo ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đó là những doanh nghiệp (DN) dễ bị tổn thương nhất khi có sự tác động của nền kinh tế thế giới và trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Vì thế, để giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua những thách thức này, chắc chắn Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, ngoài 5 nhóm ngành, lĩnh vực được TP Hồ Chí Minh ưu tiên hỗ trợ kết nối vay vốn là phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, ông Cường cho biết những nhóm ngành được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Bởi theo ông Cường, do đa phần DN ở Việt Nam là DNVVN nên mỗi năm số DN mới thành lập xấp xỉ số DN bị chết yểu. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay tín dụng của các ngân hàng có hạn, vì thế các ngân hàng buộc phải cân nhắc, lựa chọn các DN có lợi thế trong tương lai để cho vay; một mặt vừa là đón đầu nền kinh tế, vừa không để nợ xấu tăng cao, khó đòi tái xảy ra.
Nông – thủy – hải sản, may mặc… chính là các ngành hưởng lợi nhiều nhất của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Theo đó. chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng đây là hai ngành mà Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu qua Mỹ nhiều nhất. Tuy nhiên, khi Mỹ áp thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc, tất yếu các đơn vị sản xuất, gia công tại Trung Quốc và Việt Nam đều bị thiệt hại. Vì vậy, sẽ có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, một mặt để tận dụng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, mặt khác tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động rẻ tại Việt Nam để gia công, lắp ráp và sản xuất linh kiện, phục vụ cho sản xuất.
Về lãi suất cho vay, ông Cường nhận định sẽ không có biến động nào từ nay đến cuối năm. Để có được điều này, theo ông Cường, là do Chính phủ và NHNN đã thực hiện tốt về ổn định tỷ giá USD/VND. Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, đồng nhân dân tệ đã mất giá đến 8% nhưng VND cũng chỉ giao động 3%-4%. “Tôi tin rằng, tỷ giá năm 2019 cũng sẽ ổn định như năm 2018, năm chúng ta không có sự chủ động nhiều khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra”, ông Cường chia sẻ thêm.
Đồng tình quan điểm, chuyên gia Tín cũng cho biết, để có sự ổn định tỷ giá như vậy, NHNN đã thực hiện 3 công cụ điều hành tỷ giá, thứ nhất là công cụ lãi suất tín dụng, thứ 2 là tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thứ 3 là công cụ thị trường mở. Với 3 công cụ này sẽ giúp NHNN duy trì ổn định hỗ trợ cho kênh lãi suất, ngược lại kênh lãi suất sẽ hỗ trợ cho kênh điều hành tín dụng, tỷ giá USD/VND.
Tuy nhiên, theo ông Cường, dù Chính phủ và NHNN có sự điều hành chính sách như thế nào vẫn là từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam như: Nâng cao chất lượng hàng hóa, công nghệ, cách nhận diện thương hiệu và sự liên kết của doanh nghiệp trong kinh doanh, tạo sự minh bạch thông tin từ khâu nguyên liệu cho đến khâu chế biến, sản xuất và cho ra thành phẩm. Có như vậy, các DN Việt Nam mới có thể tận dụng được lợi thế từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đồng thời giảm bớt được sự phụ thuộc quá lớn từ thị trường Trung Quốc.