Trong khi chờ đợi hiệu quả từ các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) của Chính phủ, các bộ, ngành thì các DN vẫn đang gắng sức xoay sở mọi cách để duy trì sản xuất, kích thích sức mua của người dân.
“Trăm phương, nghìn kế” bán hàng
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều đơn vị kinh doanh đang gặp khó khăn do tác động của nhiều yếu tố bất lợi. Qua số liệu thống kê cho thấy: Hơn 64% DN khó tiếp cận nguồn vốn, 84% DN khác gặp khó khăn do liên quan đến chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng cao… Để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, nhiều DN đang cố gắng thay đổi phương thức bán hàng, cải tiến mô hình quản trị, tiết giảm chi phí để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khách hàng chọn mua sản phẩm thịt lợn của Công ty VISSAN tại siêu thị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Là DN chuyên cung cấp lượng trứng, thịt gia súc, gia cầm sạch chủ yếu cho các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã đặt mục tiêu chỉ tăng 5% lợi nhuận và chú trọng ổn định giá cả sản phẩm.
Đại diện Vissan cho biết: Ngoài việc tăng cường những biện pháp khuyến mãi kích cầu, DN đang tập trung rà soát toàn bộ chi phí để giảm giá thành, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trên cả nước, tăng độ phủ hàng hóa, đặc biệt khu vực nông thôn. “Chúng tôi chấp nhận giảm lãi để kích thích sức mua; đồng thời tinh gọn bộ máy, quy trình để phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi của thị trường. Ngoài ra công tác liên kết để có mối tương hỗ chặt chẽ giữa nhà phân phối, DN sản xuất và các vệ tinh sẽ được tăng cường giúp ổn định được nguồn hàng, cạnh tranh giá cả”, ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Vissan nói.
Với Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food), DN có chủ trương không đặt nặng việc gia tăng lợi nhuận mà cố gắng củng cố nội lực để giữ được thị trường, sản xuất ổn định. Còn Công ty CP Đầu tư Nam Dương, chuyên phân phối các mặt hàng dinh dưỡng cao cấp của Hàn Quốc cũng đã thay đổi phương thức kinh doanh để giảm giá thành sản phẩm. “Nếu như trước kia, DN nhập hàng từ Hàn Quốc về để bán cho người tiêu dùng thì nay còn tham gia cả việc thu mua nguyên liệu nông sản tại trong nước, sau đó bán lại cho đối tác Hàn Quốc để chế biến sản phẩm dinh dưỡng. Đây được gọi là hình thức “hàng đổi hàng” giữa hai bên để gia tăng lợi nhuận, tiết giảm chi phí.
Chia sẻ kinh nghiệm tiếp thị bán hàng thời kỳ khó khăn hiện nay, ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Left Brain Connectors (kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu) cho rằng: Sức mua giảm như hiện nay phần lớn do khả năng chi trả của người dân ít đi. Hơn bao giờ hết, DN cần rà soát lại mô hình kinh doanh, sáng tạo ra cái mới để phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng.
“Theo tôi, DN nhỏ nên xây dựng bản đồ kênh phân phối, hợp tác và liên kết thương hiệu để giảm thiểu chi phí tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm nhóm để nâng cao doanh số. Ví dụ như hãng xà phòng Omo kết hợp với xả vải Comfort để bán hàng”, ông Việt Anh nói.
Để thương hiệu hàng hóa được lan tỏa hơn, một số chuyên gia thương mại cho rằng: Quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội… là những phương thức hiệu quả và chi phí thấp hơn so với các phương thức quảng cáo khác. Do đó, DN cần phải sáng tạo nhiều hơn để tạo ra những cách quảng cáo thương hiệu độc đáo và hiệu quả.
Quản trị tốt, doanh số sẽ tăng
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Kinh nghiệm của Hoa Sen là quản trị trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng phải tập trung vào quản trị dòng tiền. Theo đó, DN phải cắt những chi phí không hợp lý, những khoản đầu tư không có lời. “Cũng nhờ có quản trị dòng tiền tốt nên doanh số của chúng tôi đã tăng dần theo từng năm, từ 2.000 tỷ đồng năm 2008, lên 10.000 tỷ đồng năm 2012. Năm nay chúng tôi sẽ phấn đấu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu”. Theo ông Vũ, nhờ mô hình quản trị tốt nên giá cổ phiếu đã tăng, nếu như cuối năm 2011, giá cổ phiếu của Hoa Sen bị sụt giảm xuống còn khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu thì nay đang xấp xỉ 34.000 đồng/cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự, để quản trị tốt thì phải điều chỉnh kịp thời về chiến lược kinh doanh. “Chẳng hạn, nếu hàng tồn kho tăng cao thì phải có giải pháp xử lý sớm kể cả lỗ. Hay khi sản phẩm nào đó có khả năng tiêu thụ thấp thì ban quản trị phải quyết định chuyển hướng. Ngoài ra, cần tăng cường khả năng dự báo, phân tích, cũng như là xây dựng các mối quan hệ đối nội, đối ngoại để tăng doanh số bán hàng”, ông Vinh chia sẻ.
“Tôi cho rằng, một trong những vấn đề quản trị là phải tạo dựng niềm tin thì mới vượt qua khủng hoảng, phải có niềm tin để hỗ trợ lẫn nhau. Đơn giản như ngân hàng tại sao tiền có nhưng DN chưa tiếp cận được bởi vì chúng ta chưa có niềm tin”, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Traphaco nói.
M.Phương - L.Nghĩa - X.Hương