Ngành điện đang nỗ lực giảm chi phí, đảm bảo an toàn điện cho người dân khi sử dụng.
Tiết kiệm chi phí, tăng tính chủ động
Sáng 10/4, tại tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp” do Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) phối hợp cùng Báo Người Lao Động tổ chức, đa số các chuyên gia đều khẳng định: điện mặt trời mái nhà là giải pháp quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh phát triển năng lượng bền vững hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hệ thống điện quốc gia đang phải huy động đa dạng các nguồn điện, trong đó có những nguồn có chi phí rất cao như điện từ dầu (giá thành 4.000 - 5.000 đồng/kWh). Điều này khiến chi phí sản xuất điện tăng mạnh, tác động đến giá bán điện và áp lực đầu tư hạ tầng.
“Khi người dân và doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà theo mô hình tự sản tự tiêu sẽ giúp giảm nhu cầu điện lưới, từ đó giảm gánh nặng đầu tư truyền tải và hạn chế huy động các nguồn điện giá cao. Điều này không chỉ có lợi cho hệ thống mà còn tiết kiệm trực tiếp chi phí cho người sử dụng”, ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Các đại biểu chia sẻ những giải pháp để phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tại tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp” vào sáng 10/4.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng, đối với hộ gia đình, lợi ích dễ thấy nhất là tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng. Theo mức giá bậc thang hiện nay, tiêu thụ trên 400 kWh/tháng sẽ phải trả hơn 3.000 đồng/kWh. Lắp điện mặt trời giúp giảm đáng kể chi phí này, đặc biệt trong các tháng hè nắng nóng.
Còn đối với doanh nghiệp, hiệu quả càng rõ rệt. Khi doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn vào ban ngày sẽ hưởng lợi trực tiếp từ điện mặt trời mái nhà. Vào giờ cao điểm - khi chi phí điện tăng thì hệ thống này lại phát điện mạnh nhất, giúp giảm ngay chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.
"Không chỉ vậy, phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch là xu hướng toàn cầu và là cam kết quốc tế mà chúng ta theo đuổi”, ông Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ thêm
Tương tự, theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, vừa qua, ngành điện đã chủ động khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020 khi Quyết định 11 và 13 có hiệu lực. Tính đến năm 2021, TP Hồ Chí Minh có hơn 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 350 MWp. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế rõ ràng sau thời điểm đó, việc đầu tư cho điện mặt trời áp mái bị chững lại. Đến đầu năm 2024, khi Nghị định 135 và Nghị định 58 được ban hành, tình hình đã có chuyển biến tích cực.
“Chỉ trong vài tháng đã có gần 500 khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn quay lại đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất gần 46 MWp. Con số này tương đương khoảng 15% so với giai đoạn cao điểm trước năm 2021. Sắp tới, các doanh nghiệp lớn như Samsung và nhiều nhà máy tại khu công nghiệp cũng đang lên kế hoạch triển khai hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng, hứa hẹn góp phần tăng đáng kể sản lượng điện mặt trời tại TP Hồ Chí Minh. Việc lắp thêm hệ thống lưu trữ sẽ giúp người dùng chủ động hơn, nhất là trong các tình huống mất điện, sự cố lưới điện hoặc khi sử dụng vào ban đêm", ông Bùi Trung Kiên cho biết.
Cần đầu tư bài bản và tuân thủ quy định
Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc lắp đặt điện mặt trời áp mái, ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC cho biết, điện mặt trời mái nhà là xu thế bắt buộc khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ hiện yêu cầu nhà cung cấp phải sử dụng năng lượng xanh. Ngoài ra, việc đầu tư điện mặt trời có thể giúp doanh nghiệp giảm từ 50 - 60% chi phí điện, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Mạnh Thức, để hệ thống hoạt động hiệu quả và an toàn lâu dài, người dân và doanh nghiệp cần lưu ý các yếu tố gồm: mái nhà cần đủ vững để chịu tải hệ thống trong 20 - 25 năm vận hành; về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, đấu nối điện; người dân cũng nên khảo sát kỹ nhu cầu tiêu thụ để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư; lựa chọn đơn vị lắp đặt uy tín, nếu lựa chọn hệ thống kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện, gây thiệt hại lâu dài; bảo trì định kỳ để duy trì hiệu suất và đảm bảo an toàn trong vận hành...
“Không nên chạy theo giá rẻ mà bỏ qua tiêu chuẩn kỹ thuật và chứng chỉ chất lượng. Đây là một khoản đầu tư dài hạn, cần làm bài bản ngay từ đầu”, ông Thức khuyến cáo.
Các nhân viên ngành điện TP Hồ Chí Minh đang kiểm tra an toàn điện cho người dân.
Dưới góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, trong đó điện mặt trời mái nhà là một trọng điểm.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ngành điện để tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch quy trình để người dân dễ dàng tiếp cận chính sách”, bà Kim Ngọc nói.
Theo bà Kim Ngọc, với hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ tích cực đầu tư điện mặt trời mái nhà nhằm vừa giảm chi phí điện, vừa góp phần vào chiến lược phát triển xanh và bền vững của thành phố.
"Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện vào mùa nóng tăng mạnh, điện mặt trời mái nhà là giải pháp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần vào lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Người dân và doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để chủ động hơn trong sản xuất và sinh hoạt", bà Kim Ngọc nói.