Diễn đàn diễn ra với nhiều nội dung nổi bật được lãnh đạo Mạng lưới liên kết ABCD Mekong, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra, nhằm tìm ra các giải pháp cho việc phát triển kinh tế, liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, diễn đàn năm nay bàn về nhiều nội dung như: nâng chất liên kết - tích hợp; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; viện trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp; kinh tế biên mậu; kinh tế tuần hoàn; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; chuyển đổi số trong nông nghiệp….
Với nhiều nội dung mới, phong phú, diễn đàn diễn ra chuỗi các sự kiện như: Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ khởi nghiệp xanh; lãnh đạo ABCD Mekong, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh giới thiệu về 1 dự án liên kết quan trọng nhất mà địa phương dự kiến thực hiện trong năm 2023; thảo luận: “Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết tích hợp và đem lại giá trị trong thực tiễn”; khai thác và phát triển kinh tế biên mậu; phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế; chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm; trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập cho doanh nghiệp và Ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Trước sự kiện chính đơn vị đã liên tục tổ chức những cuộc tọa đàm, hội thảo giới thiệu những mô hình thành công trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đã chuyển qua dùng những nguyên liệu từ giấy, gỗ để thay cho những phần sử dụng nhựa của sản phẩm. Bên cạnh đó, còn là vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng cho sản phẩm của doanh nghiệp đồng bằng, muốn đi xa, được thị trường chấp nhận, cần có những “giấy thông hành” đạt chuẩn mới tốt lên được….
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi nên cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Điểm sáng lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước.
Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của Đồng bằng sông Cửu Long là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.
Đồng thời, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 2 năm 2022. Đây như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.
Những nội dung được lựa chọn trong Diễn đàn Mekong Connect 2022 được nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế tạo động lực mới, bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch COVID-19 của các địa phương và toàn vùng, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…