“Điểm nhấn” ngoài đồng

Trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay, câu hỏi “làm thế nào?”, “bắt đầu từ đâu?” không phải dễ trả lời. Thực tế cho thấy, Nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng không phải hiệu quả lúc nào cũng như mong muốn. Đã xảy ra tình trạng nhiều công trình đầu tư xong bị bỏ hoang vì không đáp ứng đúng nhu cầu, không đem lại lợi ích thiết thực... dẫn đến lãng phí. Hai câu chuyện dưới đây là ví dụ điển hình về chọn “điểm nhấn” để tạo nên sự thay đổi, mang lại hiệu quả cho nông dân.

Tại tỉnh Ninh Thuận, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã hỗ trợ 100% kinh phí, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 3 lò đốt tiêu hủy bao, chai thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân ngay tại đồng ruộng. Những lò đốt đầu tiên được xây dựng ở xã Phước Thái và xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, nằm ngay trên đường ra đồng để thuận lợi cho bà con vứt vỏ bao, chai thuốc sau khi sử dụng. Kinh phí đầu tư không nhiều, chỉ 7 triệu đồng/lò, nhưng có tác dụng rất lớn. Lâu nay vấn đề ô nhiễm ngoài đồng ruộng do rác thải nhựa plastic (chưa kể vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật có dính độc tố) khiến người nông dân rất bức xúc, nó âm thầm lan rộng chứ không nổi cộm như các loại ô nhiễm khác. Việc xây dựng lò đốt là một giải pháp thiết thực giúp người nông dân không vứt các loại vỏ bao bừa bãi và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Còn tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, vụ đông xuân vừa qua đã có khoảng 1.000 ha đất được canh tác thêm vụ rau màu nhờ việc kéo điện ra đồng. Nguyên do là những cánh đồng ở xa các hồ thủy lợi thường thiếu nước vào mùa khô, nếu không bỏ hoang thì nông dân cũng phải vất vả dùng máy bơm nước chạy bằng dầu diesel để tưới. Bởi vậy, huyện đã đầu tư gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách kéo được hơn 14 km đường điện ra các cánh đồng, giúp hàng trăm hộ sử dụng máy bơm điện thay thế cho máy bơm chạy bằng dầu. Như anh Trần Hữu Ngọc, ở xã Ngọc Định dẫn chứng: Để tưới cho 1 ha ngô, anh dùng máy bơm điện tại đồng đã tiết kiệm khoảng 500.000 đồng/tháng so với máy bơm dầu, mà tần suất tưới nước lại tăng gấp đôi. Khoản đầu tư của Nhà nước tưởng là lớn, nhưng tính ra chỉ có 5 triệu đồng đã thêm 1 ha đất canh tác 3 vụ.

Các ý kiến đóng góp về xây dựng nông thôn mới đều có chung quan điểm rằng phải đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu. Nhưng có thể thấy, phải gần dân, sát dân, hay nôm na gọi là “xắn quần lội ruộng” với nông dân thì mới tìm được trúng vấn đề.

Bắc Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN