Theo nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin là rất lớn.
Tại Dự thảo Quy hoạch Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, nguồn vốn đầu tư xấp xỉ 13 tỷ USD/năm. Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để phát triển mạng lưới giao thông vận tải đường bộ cũng cần khoảng 2,5 tỷ USD/năm (theo kịch bản đầu tư mức trung bình).
Nhóm nghiên cứu cho rằng, với quy mô GDP cuối năm 2020 (sau điều chỉnh) là 343,6 tỷ USD, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới sẽ là rất lớn. Rõ ràng, nếu chỉ dựa vào thị trường vốn trong nước sẽ rất khó đáp ứng được nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng kinh tế, vốn dĩ đòi hỏi nguồn vốn trung và dài hạn.
Mặt khác, trong giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách nhà nước đạt bình quân là 3,45% GDP. Tỷ lệ nợ công cuối năm 2020 tăng lên 55,3% GDP, nợ Chính phủ chiếm 49,1% GDP, nợ nước ngoài chiếm 47,3% GDP. Tuy nhiên, tất cả các chỉ tiêu này đều thấp hơn trần Quốc hội giao trong kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Do vậy, so với cả thực tiễn hiện tại và các mục tiêu đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP), Chính phủ có dư địa để tiếp tục phát hành trái phiếu cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế có một số yếu tố hỗ trợ tích cực. Trước hết, ngưỡng trần nợ công (bao gồm nợ Chính phủ và tổ chức quốc tế) đang thấp hơn so với các tiêu chí mà các tổ chức quốc tế đánh giá. Trên thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam được đánh giá là đối tác uy tín, thanh toán nợ đúng hạn.
Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất hiện được giữ ở mức thấp trên các thị trường vốn quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam phát hành được trái phiếu với mức lãi suất danh nghĩa thấp hơn, tiết kiệm chi phí và giảm áp lực trả nợ.
Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam cũng đã có 3 lần phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế và ghi nhận khá thuận lợi. Đặc biệt, các đợt phát hành này cũng giúp các nhà hoạch định chiến lược tích lũy kinh nghiệm khi trái phiếu mới phát hành năm 2014 có lãi suất thấp hơn hẳn so với 2 lần phát hành trước. Đồng thời, việc hoán đổi trái phiếu đã làm giảm nghĩa vụ trả lãi trái phiếu trong mỗi kỳ trả lãi tương đương hơn 5 triệu USD.
Với nhu cầu huy động vốn lớn cũng như kinh nghiệm thực tế, nhóm chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên xem xét đến phương án xây dựng chương trình phát hành trái phiếu trung hạn toàn cầu. Đây là khung hồ sơ phát hành trái phiếu quốc tế chuẩn được các nhà đầu tư chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu và thường được áp dụng bởi các nhà phát hành trái phiếu quốc tế thường xuyên.
Chương trình phát hành trái phiếu trung hạn cho phép Chính phủ linh hoạt phát hành trái phiếu quốc tế đa dạng các loại tiền tệ với khối lượng khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong khi vẫn sử dụng cùng một bộ khung hồ sơ pháp lý.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế huy động, sử dụng và quản lý nguồn tiền thu được sau phát hành đảm bảo tính hiệu quả. Nguồn tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu quốc tế cần gắn với các đợt giải ngân cho các dự án đầu tư nhằm hạn chế tình trạng đọng vốn dẫn đến lãng phí nguồn lực, giảm thiểu rủi ro phát sinh giữa khối lượng phát hành với nhu cầu vốn theo tiến độ thực hiện và bảo đảm khả năng tạo nguồn trả nợ khi đến hạn.
Tuy vậy, nhóm chuyên gia cũng cho rằng, thị trường có thể xảy ra tình trạng các nhà đầu tư quốc tế tại thời điểm đó lo ngại rủi ro đối với một quốc gia nói riêng hoặc các thị trường mới nổi nói chung. Do vậy, với từng đợt phát hành, Chính phủ có thể cân nhắc tới việc đưa vào điều khoản về phương án trả dần nợ gốc, lựa chọn mua lại trước thời điểm đáo hạn, hoặc hình thành quỹ chìm trong phương án phát hành…
Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ là trong những kênh quan trọng để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ thường xuyên ra thị trường vốn quốc tế đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến an ninh tiền tệ quốc gia, nhất là vấn đề nợ công bằng ngoại tệ. Vì vậy, trước khi triển khai thực hiện, việc phát hành cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ và chuẩn bị kịch bản ứng phó với các rủi ro nếu có.