Đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án giao thông xanh TP Hồ Chí Minh

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh (Dự án BRT) sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới; trong đó, kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Anh Đức/Báo Tin tức

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án BRT giảm từ 155,85 triệu USD xuống 143,68 triệu USD (tương đương 3.036 tỷ đồng). Thời gian dự kiến chuẩn bị và thực hiện dự án là từ 2014 - 2023. Nếu được chấp thuận, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới để triển khai các thủ tục tiếp theo đúng quy định.

Danh mục dự án BRT TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2235/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 trên cơ sở các quy định của Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 23/4/2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Dự án có tổng mức đầu tư 155,85 triệu USD; trong đó, vốn vay từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) là 142,25 triệu USD, vốn đối ứng là 13,6 triệu USD do ngân sách thành phố tự thu xếp. Thời gian thực hiện dự án BRT trong 4 năm (giai đoạn 2014 - 2019).

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 29/1/2015, với thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2020 (do thành phố phải hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và phù hợp với tiến độ triển khai thực tế của dự án và đảm bảo thời gian triển khai 4 năm như được phê duyệt).

Năm 2016, căn cứ Hiệp định tín dụng của Việt Nam với Ngân hàng Thế giới, UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 16/2/2016 phê duyệt điều chỉnh Dự án BRT với mức đầu tư khoảng 143,68 triệu USD. Nguyên nhân giảm giá trị mức vốn đầu tư là do cắt giảm hết lãi vay trong thời gian xây dựng, do chuyển nguồn từ vốn vay IBRD sang vốn vay IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) của Ngân hàng Thế giới.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành, dự án sẽ đóng góp cho thành phố một loại hình vận tải hành khách công cộng mới là tuyến xe buýt nhanh BRT chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, rút ngắn thời gian vận chuyển, tiện nghi và an toàn hơn. Từ đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông; giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường.

Tiến Lực (TTXVN)
Bình Dương kêu gọi đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho dự án xe buýt nhanh BRT
Bình Dương kêu gọi đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho dự án xe buýt nhanh BRT

Tỉnh Bình Dương đang kêu gọi đầu tư dự án phát triển phương tiện vận tải xe buýt nhanh (BRT) giữa thành phố mới Bình Dương đến ga Bến xe Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN