Dự án Trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia ngày 23/4/2020 và Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 4084/BCT-ĐL ngày 8/6/2020 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến dự án này.
Từ năm 2017, Tổ hợp các nhà đầu tư gồm: Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty CP (GENCO 3), Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC), Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2), Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (PACIFIC), Mitsubishi Corporation (MC), General Electric International INC (GE) gọi tắt là Tổ hợp GTPP-MC-GE do Tổng Công ty Phát triển 3 làm đại diện đã đề xuất ý tưởng nghiên cứu phát triển dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và GENCO 3 cũng đã ký Bản ghi nhớ về cam kết đầu tư và hỗ trợ đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn đầu năm 2018.
Để triển khai đề xuất ý tưởng đầu tư, GENCO 3 đã thuê tư vấn thực hiện khảo sát nghiên cứu đầu tư, lập thủ tục đề nghị chấp thuận địa điểm quy hoạch, lập Báo cáo bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và đề nghị tổ chức các cuộc họp xem xét, lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đi khảo sát thực địa, thẩm định bổ sung quy hoạch.
Tuy nhiên, đến nay, thời gian chuẩn bị đã kéo dài khoảng 4 năm việc triển khai nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách, quá trình triển khai lập hồ sơ đấu thầu dự án…
Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện vẫn chưa có Quy trình thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Pháp luật chuyên ngành (Quy định tại khoản 3, điều 16, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư); chưa có Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/2000 đối với khu đất, mặt nước tại dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn để xác định các tiêu chí quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất trong hồ sơ mời thầu.
Dự án có tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, việc bố trí tổng thể mặt bằng dự án phụ thuộc vào việc lựa chọn công nghệ của từng chủ đầu tư nên chỉ có chủ đầu tư dự án đứng ra tổ chức thiết lập quy hoạch chi tiết 1/2000 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó sẽ đảm bảo về công năng, hiệu quả của dự án, tránh điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, tiết kiệm ngân sách và không gây mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 15, Luật Đấu thầu năm 2013, dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu quốc tế bao gồm: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng. Đồng thời, Sở Công Thương không có đủ trình độ chuyên môn để tự xây dựng các tiêu chí mang tính kỹ thuật của dự án.
Mặt khác, dự án có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài, nên nếu đấu thầu quốc tế, lựa chọn nhà đầu tư được phải mất khoảng 3 năm nữa cho các công đoạn xin chủ trương, lập dự toán kinh phí, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tiêu chí, đấu thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu… để đưa ra đấu thầu. Sau khi chọn được nhà đầu tư, ít nhất cũng phải mất 5 năm để xây dựng hạ tầng, cảng, kho LNG, nhà máy và nhanh cũng phải đến năm 2028 mới hoàn thành giai đoạn 1 Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn...
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn phải hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025-2026 để vận hành, kịp thời bổ sung thêm nguồn điện cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng trong những năm sắp tới.
Xuyên suốt quá trình từ khi đề xuất ý tưởng đến khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), chỉ có duy nhất Tổ hợp GTPP-MC-GE là nhà đầu tư tham gia mà không có nhà đầu tư nào khác đề xuất ý tưởng tại địa điểm này.
Do đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất Chính phủ xem xét chỉ định cho phép Tổ hợp nhà đầu tư GTPP-MC-GE do Tổng Công ty Phát triển 3 làm đại diện thực hiện đầu tư dự án Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1.