Để người Việt quen dùng hàng Việt


Trong hai năm trở lại đây, hàng Việt đã lan tỏa khắp trên thị trường từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh Đồng Nai, nhờ những chiến lược truyền thông khá bài bản và sự tham gia của đông đảo các cấp, ngành… thông qua các phiên chợ hàng Việt. Nhưng liệu người Việt có kiên trì với hàng Việt khi mà cứ phải đợi đến các phiên chợ hàng Việt về nông thôn mới mua được.
 
Hàng Việt đã có sức chinh phục

Tiện lợi, nhanh chóng, giá cả phải chăng là tiêu chí mà nhiều nhà sản xuất hướng đến trong việc sáng tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm mới là điều rất đáng được ghi nhận của doanh nghiệp Việt trong thời gian qua và đây cũng là bước đột phá để nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng...

Qua khảo sát các phiên chợ hàng Việt trên địa bàn tỉnh, phóng viên ghi nhận được: Hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm mới trưng bày tại hội chợ đều chú trọng đầu tư sản xuất ra những sản phẩm với nhiều tính năng, công dụng để cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại, hay cải tiến thêm nhiều tính năng mới dựa trên các sản phẩm chủ lực cũ đang gây được tiếng vang trên thị trường nhằm thu hút khách hàng.

Tại Tuần lễ hàng Việt Nam chất lượng cao vừa được tổ chức tại thành phố Biên Hòa, đại diện Công ty Thực phẩm Tài Ký cho biết, sắp tới Công ty sẽ tung ra thị trường 3 loại sản phẩm gồm: bột bánh canh, bánh bèo và bánh cuốn với nhiều cải tiến, tiện lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng. Sản phẩm với ưu điểm không phải dùng nồi nước sôi để hấp bánh, mà có thể tráng trực tiếp trên chảo không dính. Với hướng dẫn sử dụng ngắn gọn kèm hình ảnh minh họa được in nổi trên bao bì, không ít người tiêu dùng có mặt tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao vừa qua đã phải tiếc rẻ khi chưa mua được hàng, vì sản phẩm mới chỉ phục vụ trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ.

Ngoài chất lượng được cải thiện trong thời gian gần đây, doanh nghiệp còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt, gần gũi với sinh hoạt của người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm giúp tiết kiệm công sức cho các bà nội trợ như đồ da dụng, đồ dùng nhà bếp…

Mới đây, nhân dịp khai trương chợ Cẩm Mỹ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương cũng tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn với 21 doanh nghiệp tham gia. Hơn 30 gian hàng cùng hàng trăm mặt hàng được bán với giá ưu đãi giảm từ 5%-50%, kèm quà tặng hấp dẫn đã thu hút đông đảo người dân đến tham gia mua sắm.

Lần đầu tiên tham gia một phiên chợ hàng Việt, chị Phạm Thị Hồng Ngọc, ngụ tại thị xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) không giấu được sự ngạc nhiên khi thấy cả các gian hàng của những siêu thị nổi tiếng cũng có mặt tại vùng quê nghèo nơi đây. Theo nhận định của chị Ngọc, hàng hóa tại phiên chợ đa dạng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thực tế của bà con nông dân, sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rất tốt so với ngoài chợ. Hầu hết bà con ở nông thôn đều có chung nhận định: “Hàng Việt chất lượng tốt, mẫu mã lại đẹp, doanh nghiệp mình sản xuất được hàng tốt thế này sao lại không ủng hộ chứ". Người dân ở nông thôn đều có chung quan niệm: Đã là người Việt, phải yêu hàng Việt và họ luôn mong muốn phiên chợ hàng Việt thường xuyên về nông thôn, để người dân nơi đây có cơ hội mua sắm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Theo Sở Công Thương, từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có thêm 3 phiên chợ vui công nhân và 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức. Cụ thể, 3 phiên chợ vui công nhân sẽ được tổ chức vào 3 tháng cuối năm nay, lần lượt tại Biên Hòa, Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm cho công nhân. Tương tự, 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn cũng sẽ tập trung vào 2 tháng cuối năm tại nhiều địa phương như Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất… Ngoài việc bán các mặt hàng có trong danh mục bình ổn giá, những phiên chợ này sẽ cung ứng nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như may mặc, hóa mỹ phẩm… có chất lượng tốt và giá phải chăng. 


Tạo thói quen tiêu dùng qua kênh phân phối

Qua khảo sát tại nhiều chợ trên các địa bàn nông thôn Đồng Nai như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán… cho thấy, chợ truyền thống nông thôn đang là sân chơi của những đại gia thương hiệu ngoại như: Procter & Gamble (P&G), Unilever, Pepsi, Coca - Cola, Kirin, Unza, Dutch Lady, Ajinomoto… Rõ ràng thế mạnh về phân phối vẫn thuộc về các thương hiệu nước ngoài.

Nhiều tiểu thương cho biết, chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp là những điểm mạnh của các nhãn hàng này và thực tế là hiện tại, đa số tiểu thương các chợ truyền thống đang bán đến 70% số hàng hóa có thương hiệu ngoại (phần lớn nhà máy đặt ở Việt Nam). Điều dễ nhận biết nhất là hàng hóa của họ vô cùng tiện lợi, dễ mua với những gói dầu gội, gói bột nêm, kem dưỡng da, cà phê, sữa tắm... giá chỉ 500 đồng và bán rất chạy .

Trong khi đó, hầu như các DN sản xuất hàng tiêu dùng khác của Việt Nam vẫn loay hoay với việc thiết lập một mạng lưới phân phối riêng của mình. Về mặt chăm sóc đại lý và các tiểu thương bán hàng, hàng hóa “thuần Việt” cũng chưa thể sánh ngang với hàng hóa của các tập đoàn nước ngoài đóng tại Việt Nam, mà tiêu biểu là 2 tên tuổi “khổng lồ” Unilever và P&G.

Tuy khó, song nhiều DN Việt Nam khi được hỏi đều khẳng định, muốn có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, không cách nào khác là phải nghĩ cách đầu tư, cải thiện khâu phân phối hàng hóa. Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) ban đầu khá vất vả với khâu xây dựng hệ thống phân phối cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến của mình, đến nay nhãn hàng D&F đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như: Big C, Co.op Mart, Metro, Lotte, Citimart… Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy cho rằng: Xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm là một trong những thách thức lớn nhất của DN bên cạnh những khó khăn khác như sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đầu tư truyền thông… Theo đó, các yếu tố như thời gian, tiền bạc và kinh nghiệm là những đòi hỏi lớn nhất cho các DN sản xuất hàng Việt Nam nói chung khi muốn xây dựng khâu phân phối chuyên nghiệp. Trong đó, chi phí bỏ ra là khá nặng nề với một DN có thị phần chưa lớn như D&F, việc xây dựng hệ thống cửa hàng riêng phải rất cẩn trọng vì phải đầu tư khá tốn kém. “Mặc dù vất vả, nhưng muốn tồn tại lâu dài, DN nhất thiết phải quan tâm xây dựng tốt khâu phân phối. Hiện tại, ngoài hệ thống siêu thị, D&F còn phải đầu tư cho hệ thống 4 cửa hàng riêng, và nhắm đến những đầu mối phân phối khác trong tương lai để mở rộng thị phần” - ông Phương nói.

Công ty Bò sữa Long Thành với nhãn hiệu Lothamilk cũng đang tích cực mở rộng khâu phân phối trên 3 phương diện: Siêu thị, khách hàng hợp tác (đại lý) và hệ thống cửa hàng riêng. Theo đó, cả 3 mảng phân phối này đều được quan tâm ngang bằng nhau vì mỗi mảng có một thế mạnh riêng trong việc tiếp cận khách hàng. Đại diện Lothamilk cho biết, ngoài việc cung ứng hàng liên tục, chăm sóc kỹ lưỡng hệ thống phân phối cũng hết sức quan trọng do mặt hàng sữa đòi hỏi phải luôn tươi mới, sạch, bằng cách rà soát hàng ngày lượng hàng bày bán tại các đầu mối phân phối, kịp thời tiếp ứng hàng mới. Hiện tại, nhãn hàng sữa này đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phía Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc.

Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế trong việc phân phối hàng hóa nói chung, đặc biệt ở địa bàn nông thôn. Vì vậy, để hàng Việt dễ dàng tiếp cận thì phải xây dựng hệ thống phân phối bài bản ở các chợ và điều này đang là một khó khăn và thách thức lớn đối với nhiều DN trong nuớc hiện nay.

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần nâng cao hiểu biết về tâm lý tiêu dùng và văn hóa mua sắm của người dân; quan hệ gần gũi, thân thiết với người tiêu dùng; hàng hóa phong phú, tươi sống phù hợp thị hiếu người Việt; giá cả linh hoạt, phù hợp người tiêu dùng bình dân... và các chợ truyền thống cũng cần thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa.


Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN