Mặc dù dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2017 nhưng đến nay dự án mới chỉ dừng ở công việc kiểm đếm, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch, chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng của nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chia sẻ, để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu nhà đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo sát sao, lập kế hoạch chi tiết từng tuần, tháng để đôn đốc, theo dõi.
Đối với việc giải phóng mặt bằng, huyện Cao Lộc cùng các đơn vị trên phải bám sát công việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, trong giải phóng mặt bằng phải tạo sự liền khoảnh, tránh tình trạng “xôi đỗ” để nhà đầu tư có đủ điều kiện khởi công dự án.
Các hộ gia đình, cá nhân đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tính toán bồi thường theo quy định nhưng cố tình không chấp hành, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần hoặc các trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định nhưng cố tình không bàn giao mặt bằng, các cơ quan chuyên môn củng cố hồ sơ, tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Phần diện tích chồng lấn giữa dự án khu trung chuyển hàng hóa với dự án đường cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phối hợp với nhà đầu tư tổ chức kiểm đếm, lập phương án bồi thường, thẩm định, phê duyệt và chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng theo quy định đối với phạm vi thuộc dự án khu trung chuyển hàng hóa đã được phê duyệt, không chờ phương án điều chỉnh cục bộ tuyến đường cao tốc.
Về việc đấu nối với đường sắt và đường cao tốc, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, nhà đầu tư và Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị khẩn trương hoàn thiện phương án đấu nối dự án khu trung chuyển hàng hóa với đường cao tốc và đường sắt.
Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Khu trung chuyển Lạng Sơn cần bám sát hiện trường, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với huyện Cao Lộc và các cơ quan chức năng của tỉnh để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức khởi công dự án trước ngày 15/7 tới.
Đối với dự án đường phục vụ xuất nhập khẩu, đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với Khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc) đã được khẩn trương hoàn thành và tổ chức thông xe vào ngày 21/3. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn cần tiếp tục xử lý kỹ thuật, bổ sung hoàn thiện một số hạng mục để đưa công trình vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Do vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn xem xét kỹ về giải pháp kỹ thuật đối với một số hạng mục bổ sung như chống sạt lở ta luy dương đoạn đấu nối qua biên giới, xây dựng barie số 1, barie số 2 và nhà tạm phục vụ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ… để sớm đưa vào hoạt động, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Dự án khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có quy mô công suất thiết kế giai đoạn 1 vào năm 2020 đáp ứng khoảng 364.000 lượt xe lưu thông/năm và có thể nâng lên 561.000 lượt xe lưu thông/năm. Khu trung chuyển hàng hóa được xây dựng trên tổng diện tích đất gồm 143,7ha trên địa bàn xã Thụy Hùng và Phú Xá của huyện Cao Lộc với tổng vốn đầu tư dự án là 3.299 tỷ đồng.