Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Phú Quốc POC - đại diện chủ đầu tư dự án cho biết tính đến thời điểm hiện tại, chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn đã bước vào giai đoạn triển khai tổng thể và đồng bộ, với khối lượng công việc rất lớn. Chương trình hoạt động và ngân sách cho năm 2025 đã được Petrovietnam và các đối tác phê duyệt với tổng giá trị 739 triệu USD, phản ánh quy mô đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo tiến độ và các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của dự án.
Với mục tiêu đón dòng khí đầu tiên vào tháng 8/2027, Phú Quốc POC và các đơn vị thi công, nhà thầu đang tiếp tục triển khai các phần việc quan trọng của Dự án. Các mốc tiến độ của 2 gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 lần lượt là 16,7% và 34% (tính đến thời điểm ngày 14/2/2025).
Bên cạnh đó, việc triển khai cho các gói thầu phụ trợ của dự án như FSO, IVS, CAR, QA/QC, MWS; công tác minh giải tài liệu địa chấn được thực hiện theo kế hoạch; đồng thời đang triển khai các gói thầu quan trọng phục vụ công tác khoan và hoàn thiện giếng. Ngoài ra, Phú Quốc POC tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực Người điều hành với các chương trình đào tạo năng lực, các phong trào đổi mới sáng tạo, cải tiến, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào các hoạt động điều hành và quản trị dự án.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 năm 2024, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh dự án Lô B - Ô Môn là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn về vốn đầu tư, có khả năng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước ước tính cho cả đời dự án lên tới 30 tỷ USD. Do vậy, nhiệm vụ giai đoạn 2 năm 2025 của dự án là rất nặng nề.
Để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2025, toàn thể các đơn vị nhà thầu, đơn vị thành viên và chủ đầu tư tiếp tục phát huy tinh thần “một đội ngũ, một mục tiêu”, tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, kiểm soát tốt đường găng dự án, tạo nền tàng để dẫn đầu trong toàn chuỗi dự án, phân đấu dự án triển khai đúng tiến độ, góp phần hoàn thành mục tiêu lớn nhất đón dòng khí đầu tiên vào tháng 8/2027.
Đại diện nhà thầu đang triển khai dự án, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Trần Hoài Nam cam kết PTSC đảm bảo chất lượng kỹ thuật thi công dự án, không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động; hoàn thành các hạng mục dự án ngoài khơi đúng tiến độ.
Cụ thể, PTSC sẽ hoàn thành chế tạo và lắp đặt ngoài khơi trước ngày 31/12/2025 các hạng mục: Chân đế giàn xử lý công nghệ trung tâm CPP; Chân đế giàn nhà ở LQP; Chân đế và khối thượng tầng các giàn thu gom KLWA, KLWB, CVWA và Giàn đầu giếng AQWA; Đường ống nội mỏ Infield Pipeline.
Là đơn vị chủ lực của Petrovietnam trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, PTSC được làm nhà thầu thực hiện 3 dự án thành phần quan trọng, bao gồm: Dự án EPCI#1 (Thiết kế, mua sắm, thi công và lắp đặt giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở và tháp đuốc); dự án EPCI#2 (Thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối và chạy thử giàn thu gom, giàn đầu giếng và hệ thống đường ống nội mỏ); dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (Thiết kế chi tiết cho toàn bộ dự án; mua sắm, thi công lắp đặt tuyến ống bờ và chạy thử toàn tuyến ống dẫn khí từ thượng nguồn về tới các nhà máy điện).
Bên cạnh đó, PTSC cũng đang tích cực chủ động tham gia các gói thầu cung cấp tàu chứa FSO, dịch vụ căn cứ hậu cần, tàu dịch vụ cho Phú Quốc POC ở khâu thượng nguồn và hạ nguồn là các nhà máy điện, với mong muốn cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả chuỗi dự án. Việc triển khai nhiều gói thầu lớn và quan trọng cùng lúc của chuỗi dự án là thử thách với PTSC, nhưng cũng là cơ hội khi PTSC có thể điều phối và tối ưu sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả giữa các dự án, giảm thiểu tối ra rủi ro giao diện giữa các gói thầu. Do đó, người lao động PTSC luôn luôn ý thức rõ vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng cho cả chuỗi dự án, ông Trần Hoài Nam cam kết.
Tại buổi lễ, bà Nghiêm Thị Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã phát động thi đua và ký giao ước giữa chủ đầu tư, nhà điều hành và các bên nhà thầu để quyết tâm hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2 năm 2025, đảm bảo tiến độ để có dòng khí đồng tiên vào tháng 8/2027.
Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn là dự án năng lượng trọng điểm quốc gia với sự tham gia của chủ đầu tư bao gồm: Petrovietnam, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO) - Nhật Bản, Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PTT (PTTEP) của Thái Lan, trong đó phía Việt Nam nắm 70% và phía nước ngoài nắm 30% để cùng tham gia đầu tư theo hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) ở khâu thượng nguồn.
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn); dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.810 MW (theo Quy hoạch Điện VIII). Tổng mức đầu tư của cả Chuỗi dự án lên tới 12 tỷ USD.
Với Petrovietnam, dự án Lô B - Ô Môn có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình chuyển đổi thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam, tối ưu hóa chuỗi giá trị từ thượng nguồn (khai thác khí) đến trung nguồn (vận chuyển khí) và hạ nguồn (sản xuất điện).
Theo báo cáo của đại diện chủ đầu tư dự án, năm 2024, với sự phối hợp hiệu quả giữa các bên, chiến dịch thu nổ địa chấn 3D của dự án khí Lô B - Ô Môn đã hoàn thành trước tiến độ 4 tháng với công tác thu nổ kết thúc vào ngày 29/8/2024, sớm hơn cam kết theo giao ước thi đua.
Cụ thể, diện tích thu nổ đạt 2.929,9 km², hoàn thành đúng và vượt yêu cầu kỹ thuật đề ra. Đặc biệt, dự án không có sự cố an toàn hoặc môi trường, đảm bảo tiêu chí "An toàn - Chất lượng - Hiệu quả".