Tuy nhiên, thống kê từ các tổ chức bất động sản Việt Nam cho thấy, khoảng trên dưới 50% người mua hiện tại trên phân khúc căn hộ là nhà đầu tư thứ cấp với mục đích mua đi bán lại hoặc mua để cho thuê.
Do đó, chính sách đánh thuế mới này được cho là sẽ có tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam và ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản phân khúc căn hộ. Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc tại Việt Nam của I LL, việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh.
Hình minh họa. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Hiện tại, thách thức lớn nhất khi áp dụng điều luật này tại Việt Nam là có thể xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản. Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch các bất động sản trên thị trường. Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua bất động sản ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này sẽ còn cần nhiều bước.
Ông Stephen Wyatt dẫn chứng, Singapore là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, khi mua bất động sản, người mua sẽ phải trả 3%. Tuy nhiên, khi mua từ bất động sản thứ hai trở đi thì có một chút khác biệt là người Singapore sẽ phải trả thuế thêm là 7%. Do đó, người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ hai này. Nếu người mua là người nước ngoài thì họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ hai. Vì vậy, nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên đáng kể và phụ thuộc vào từng nhóm người mua.
Cũng theo ông Stephen Wyatt, ở Anh, năm ngoái nước này đã thông qua việc đánh thuế vào người mua bất động sản, nếu mua bất động sản thứ nhất sẽ phải trả một mức thuế cơ bản và cộng thêm 3%. Mức thuế sẽ dựa trên giá trị của ngôi nhà đó, tuy nhiên việc xác định giá trị nhà khá phức tạp. Mức đánh thuế sẽ khác nhau tùy theo giá trị tài sản. Tại Anh, những bất động sản dưới 250.000 USD thì không cần phải đóng thuế, còn trên mức 250.000 USD - 500.000 USD thì áp dụng mức thuế khác nhau. Nhìn chung có rất nhiều phương án cho điều luật này.
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhận xét, việc đánh thuế tài sản mà cụ thể là bất động sản không phải là việc lần đầu nhắc đến. Quốc hội nhiều năm trước cũng nhắc đến. Trên thế giới, việc đánh thuế tài sản trong đó có thuế bất động sản rất phổ biến và đây chính là một trong những nguồn thu lớn cho ngân sách.
Mặt khác, khi thực hiện đánh thuế bất động sản còn chống được đầu cơ bất động sản và tạo việc sử dụng hiệu quả các sản phẩm bất động sản, tránh tình trạng tích trữ, đầu cơ. Do đó, chủ trương đánh thuế từ ngôi nhà thứ hai trở đi là đúng. Tuy nhiên, thực hiện việc này cần tính cách làm thế nào để tài sản cần đánh thuế được chính xác. Cái gì đáng đánh thuế thì mới đánh thuế, tránh đánh thuế vào những tài sản mà người dân có nhu cầu sử dụng chính đáng bởi khi đó sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế - ông Hoàng Văn Cường phân tích.
Một số ý kiến lo ngại, cái khó ở Việt Nam là làm thế nào để xác định được căn nhà thứ hai để đánh thuế. Ví dụ, trường hợp gia đình đông người, hay trường hợp cố tình lách luật bằng cách để nhiều thành viên trong gia đình đứng tên, thay vì một người… để trốn thuế. Đây cũng là một thách thức khi thực hiện đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi.
Hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và đang rất hấp dẫn. Có rất nhiều nhà đầu tư mua bất động sản thứ hai trở lên. Các chuyên gia cho rằng, kiến nghị này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản thứ hai này và sẽ ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường.