Dân vẫn trồng quýt đường trên diện tích vừa nhiễm bệnh

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh trên vườn cây ăn trái có múi, các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã khuyến cáo nhà vườn không nên trồng lại cây quýt đường trên diện tích vừa nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện còn nhiều người dân bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng vẫn vội vã trồng lại quýt đường. 


Ngành chức năng Hậu Giang khuyến cáo nhà vườn nên chặt bỏ những cây quýt bị nhiễm bệnh. Đối với vườn cây bị nhiễm bệnh trên 50% diện tích nên chặt bỏ, tiêu hủy toàn bộ để tiêu diệt mầm bệnh. Người dân tuyệt đối không trồng lại cây mới xen kẽ trong diện tích vườn cây cũ, còn tiềm ẩn mầm bệnh. Các ngành chức năng khuyến cáo, tốt nhất luân chuyển cây trồng, không trồng cây có múi, nên sản xuất rau màu trong thời gian từ 1 đến 2 năm để cách ly, tiêu diệt mầm bệnh hoàn toàn. 


Tuy nhiên, điều lo ngại ở đây, mặc dù ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã khuyến cáo, nhưng trước áp lực giá quýt đường tăng cao, nhiều hộ dân nôn nóng trồng lại cây quýt đường, điều này đã vô tình “tiếp tay” cho dịch bệnh lây lan trên vườn cây ăn trái có múi ở tỉnh này. 


Quýt đường Long Trị là 1 trong 10 loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Đến nay, diện tích quýt đường được nhân rộng hơn 450 ha, tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ. Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, nhà vườn chưa nhiều kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật, cây giống trôi nổi, kém chất lượng…, do đó chỉ sau vài năm trồng diện tích quýt đường bị sâu bệnh tấn công; trong đó bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ bùng phát và lây lan nhanh. Hiện có khoảng 50% diện tích quýt đường trên địa bàn bị nhiễm bệnh và đang có chiều hướng gia tăng. 


Điều lo lắng hơn, hiện bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ chưa có thuốc đặc trị và khi vườn cây ăn trái bị nhiễm 2 loại bệnh này, buộc phải chặt bỏ trồng lại. Do diện tích, năng suất giảm mạnh đẩy giá quýt đường tăng kỷ lục lên đến 60.000 đồng/kg, người trồng quýt có lãi khoảng 500 triệu đồng/ha.



Huỳnh Sử (TTXVN)

Thoát nghèo nhờ trồng quýt bản địa
Thoát nghèo nhờ trồng quýt bản địa

Nhờ áp dụng thành công mô hình trồng quýt bản địa, những năm gần đây, đời sống của các hộ dân ở xã Nam Sơn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được cải thiện, vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN