Video Cận cảnh dàn trận tăng tốc thi công trên công trường sân bay Long Thành:
Những ngày cuối tháng 3/2023, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường "siêu" dự án sân bay Long Thành, để ghi nhận không khí hối hả tăng tốc thi công, đảm bảo tiến độ những gói thầu đầu tiên của dự án trọng điểm của quốc gia được Chính phủ, Quốc hội và người dân cả nước đặc biệt quan tâm về tiến độ này.
Theo ông Kiều Cao Hưng, Giám đốc Ban điều hành gói thầu san lấp và cấp thoát nước (gói thầu 3.4) thuộc dự án giai đoạn I, tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô, để đảm bảo tiến độ thi công, trên công trường hiện nay, các nhà thầu đang huy động hơn 1.800 đầu máy móc, thiết bị các loại và khoảng 3.000 cán bộ kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động, phủ rộng toàn bộ dự án, bố trí 3 ca 4 kíp/ngày đêm để đào đắp (mỗi ca 8 giờ), san nền sân bay.
Đến thời điểm này, gói thầu đã đào đắp đạt khoảng 58% khối lượng, tương đương khoảng 65/115 triệu m3. Theo tiến độ hợp đồng, gói thầu san lấp mặt bằng sân bay Long Thành thi công trong 38 tháng, nhưng để rút ngắn tiến độ chung của dự án, các nhà thầu cam kết thi công trong 15 tháng. Dự kiến cuối tháng 5/2023, gói thầu sẽ hoàn thành khoảng 80% khối lượng, đảm bảo tiến độ chủ đầu tư đề ra và phục vụ cho những gói thầu tiếp theo.
Trong làn khói bụi đất đỏ bazan, hàng nghìn máy móc, nhân lực đang tập trung cao độ thi công suốt ngày đêm. Song, do lượng phát sinh bụi tương đối lớn, nên các nhà thầu phải sử dụng xe tưới nước liên tục trên các tuyến đường vận chuyển, để hạn chế lượng bụi lơ lửng, phát tán ra môi trường. Dự báo còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc mùa khô, Ban Quản lý sân bay Long Thành đang chỉ đạo các nhà thầu tăng cường kiểm tra chất lượng gói thầu san nền, yêu cầu nhà thầu xử lý những sai sót, bất cập trong đào đắp đất; thi công gắn với bảo vệ môi trường.
"Siêu" dự án sân bay Long Thành có tổng diện tích thi công 5.000 ha, nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trong quy hoạch của huyện Long Thành (Đồng Nai) để trở thành khu đô thị tầm cỡ, với trung tâm là khu vực cảng hàng không, sân bay. Đây là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được Chính phủ chỉ định thực hiện dự án, trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp đối với các công trình thiết yếu của cảng hàng không.
Về vị trí, từ sân bay Long Thành đến TP Hồ Chí Minh khoảng 40 phút, nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải và hệ thống cảng biển của Đồng Nai. Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng theo tiêu chuẩn 4F - mức cao nhất trong tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Hiện nay, khó khăn lớn của dự án là vẫn vướng mặt bằng trong khu vực thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến việc san lấp mặt bằng đồng bộ. Vì vậy, các nhà thầu đề xuất Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành phối hợp tốt hơn nữa với các cấp chính quyền địa phương trong việc di dời, bàn giao sớm mặt bằng cho các nhà thầu thi công.
Qua tìm hiểu, khi phê duyệt dự án, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác cuối năm 2025, nhưng hiện nay, gói thầu chính và lớn nhất dự án là Nhà ga hành khách (hơn 35.000 tỷ đồng) vẫn chưa chọn được nhà thầu. Vì vậy, ACV đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền lùi thời gian hoàn thành dự án từ năm 2025 sang năm 2026, làm cơ sở điều chỉnh thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga đảm bảo tính khả thi.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao hơn 2.454 ha, đạt gần 97% khối lượng dự án giai đoạn I, phần diện tích còn lại khoảng 77 ha, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2023. Tỉnh Đồng Nai cũng đang nỗ lực giải phóng mặt bằng hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023 để bàn giao cho ACV.