Đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn chính sách trong mùa dịch COVID-19

Ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì các Điểm giao dịch từ ngày 5 đến 25 hàng tháng tại các xã, phường và thị trấn, đảm bảo phục vụ kịp thời nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chú thích ảnh
Giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đây là thông tin được ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Ông Cường cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh đã quán triệt nội dung trên đến từng cán bộ, người lao động, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp giao dịch với khách hàng.

Khác với các tổ chức tín dụng khác, việc cho vay, thu lãi, thu hồi nợ và gửi tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách Xã hội đều được thực hiện theo hình thức giao dịch lưu động tại UBND các xã, phường, thị trấn. Theo đó, tùy theo huyện, thị xã, thành phố sẽ bố trí thời gian giao dịch cố định cho từng xã, phường, thị trấn.

Hiện tất cả các xã, phường, thị trấn tại tỉnh Quảng Ngãi đều có Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo thuận lợi để người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biển đảo tiếp cận nguồn vốn chính sách một cách dễ dàng, thuận tiện và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn bất ngờ về tài chính. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được vay vốn mới để tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Không chỉ đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác yên tâm sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi và cả hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội nói chung đã và đang hướng dẫn khách hàng đến giao dịch tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19 của Chính phủ, Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã quán triệt đến tất cả cán bộ, người lao động và người dân đến giao dịch thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Những người không có khẩu trang sẽ được phát khẩu trang và hướng dẫn sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi kiểm đếm tiền mặt. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng trang bị kính chắn giọt bắn tại bàn giao dịch của các Điểm giao dịch tại xã, tăng cường công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Chị Văn Thị Minh Nguyệt - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn chia sẻ: “Từ khi có dịch, mỗi lần đến kỳ thu lãi hoặc làm hồ sơ cho hộ vay mới, tôi đều đeo khẩu trang khi tiếp xúc và khi về đến nhà tôi luôn ý thức rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Tôi nghĩ, mỗi người tự ý thức phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình là đã góp phần cùng Nhà nước chống dịch”.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Mười cho biết, trước khi tổ chức phiên giao dịch lưu động tại xã, đơn vị đều thông báo đến các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về thời gian giao dịch cụ thể. Đồng thời tổ chức giải ngân, thu hồi nợ theo ca để khách hàng sắp xếp công việc, đến giao dịch được thuận lợi, đảm bảo giãn cách, hạn chế đông người trong công tác phòng dịch.

Tính đến cuối tháng 4/2021, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bình Sơn đạt trên 505 tỷ đồng, với 15.343 khách hàng còn dư nợ, đạt 99% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giao năm 2021. Đây là địa phương có dư nợ lớn nhất tỉnh.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bình Sơn tiếp tục thu nợ và cho vay nguồn vốn quay vòng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Tính đến 30/4/2021, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 3.890 tỷ đồng, với 95.600 khách hàng vay vốn. Dư nợ bình quân cho vạy đạt 40,7 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,29% tổng dư nợ.

Sau 19 năm hoạt động, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho trên 75.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 36.532 lao động và 163.014 lượt học sinh, sinh viên; xây mới và cải tạo 160.338 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.447 hộ nghèo vay vốn làm nhà tránh lũ; trong đó có 13.707 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở; 30.489 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Lê Phương (TTXVN)
Lan tỏa nguồn vốn chính sách
Lan tỏa nguồn vốn chính sách

Từ một huyện đảo đã có thời gian dài kinh tế tự cung tự cấp, Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đang dần thay da đổi thịt. Người dân huyện đảo vốn trước kia đa phần đi biển hoặc làm buôn bán nhỏ, nay đã có thêm các cơ hội phát triển kinh tế. Đặc biệt, nguồn vốn chính sách đã góp phần không nhỏ mang lại đổi thay tại huyện đảo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN